Ca sĩ ảo không xa lạ gì với âm nhạc các nước phát triển. Nhưng với thị trường Việt Nam, sự xuất hiện của hai ca sĩ siêu thực mang tên Michau và Damsan tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô 2022 sắp tới là một trải nghiệm hoàn toàn lạ lẫm và mới mẻ cho khán giả.
Ca sĩ ảo là nhân vật được tạo ra bằng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại như 3D design, AR, AI, công nghệ thực tế ảo... Riêng giọng hát được hỗ trợ bởi công nghệ Vocaloid (công nghệ tổng hợp giọng hát được ghi âm bởi các diễn viên lồng tiếng hay ca sĩ ngoài đời). “Cha đẻ” của mô hình độc đáo này chính là Nhật Bản.
Năm 2007, nữ ca sĩ thực tế ảo đầu tiên ra đời mang tên Hatsune Miku và nhanh chóng khuấy đảo làng giải trí toàn cầu. Tiếp nối thành công của Hatsune Miku, các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc lần lượt sở hữu loạt ca sĩ ảo đình đám và không ngừng thu hút người hâm mộ trẻ tuổi. Trong đó nổi bật nhất có thể kể đến Lạc Thiên Y (Trung Quốc).
Ở Việt Nam, Michau và Damsan sẽ là hai ca sĩ ảo đầu tiên được giới thiệu tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô 2022 (diễn ra đầu tháng 12 tại TP Hồ Chí Minh). Họ sẽ biểu diễn bên cạnh các nghệ sĩ, ban nhạc đình đám đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ… và hàng loạt ca sĩ nổi tiếng trong nước như Văn Mai Hương, Uyên Linh, Bích Phương, Vũ Cát Tường, Ngọt… Michau và Damsan xuất hiện trực tiếp trên sân khấu cùng ca sĩ, vũ công là người thật thông qua công nghệ trình chiếu Hologram. Sân khấu ảo của họ lấy cảm hứng từ hang Sơn Đoòng, hứa hẹn mang đến cho khán giả màn trình diễn chân thực như ca sĩ thật đang biểu diễn.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Tổng giám đốc Pencil Group - đơn vị sáng tạo ca sĩ Michau và Damsan cho biết, cả hai là thành quả của quá trình làm việc của các họa sĩ, nghệ sĩ đa phương tiện, nhà sản xuất âm nhạc, ca sĩ, lập trình viên, nhà sản xuất phim... Dự án mô hình ca sĩ ảo đã được đơn vị lên kế hoạch từ sáu năm trước. Bước đầu, đơn vị ra mắt ca sĩ, phát hành album. Khi ca sĩ đã nổi tiếng, có vị trí trong lòng người hâm mộ, đơn vị sẽ triển khai các câu chuyện siêu thực có ca sĩ ảo làm nhân vật chính như game online, truyện tranh, phim hoạt hình…
“Hai ca sĩ ảo Michau và Damsan được truyền cảm hứng từ truyện cổ, sử thi của Việt Nam. Đầu tiên chúng tôi sẽ phát triển một câu chuyện cho cặp đôi này, phóng tác tự do về tài năng, tâm lý… Họa sĩ phát triển mô hình 2D trước, sau đó hoàn thiện bằng mô hình 3D. Biên đạo múa sẽ sáng tạo vũ đạo riêng. Nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ tham gia vào quá trình sản xuất. Sẽ có ca sĩ thật thu âm, sau đó xử lý thành âm thanh ảo, đẩy chất lượng giọng hát cao hơn nữa. Ca sĩ phải có giọng hát tốt, có tiềm năng để công nghệ tiếp tục giúp giọng hát thu hút hơn nữa. Các ca sĩ thu âm cho Michau và Damsan đều phải giấu mặt, không được công khai danh tính” - ông cho hay.
Đại diện phía đơn vị phát triển mô hình ca sĩ ảo còn cho biết, sau màn ra mắt tại Lễ hội Hò dô, cặp đôi ca sĩ ảo sẽ phát hành MV, album riêng. Các sản phẩm âm nhạc này được bắt tay với nhà phát hành quốc tế để quảng bá rộng rãi đến hàng trăm nền tảng thịnh hành trên thế giới. Đây là điều giúp âm nhạc Việt đến gần với bạn bè năm châu, giới thiệu bản sắc dân tộc. Bởi từ cảm hứng thần thoại, huyền sử Việt, những MV ban đầu sẽ hướng đến dòng nhạc sử thi trên chất liệu EDM.
Rõ ràng, sự xuất hiện của cặp đôi ca sĩ ảo “made in Việt Nam” đã cho thấy sự thức thời, nắm bắt kịp xu hướng âm nhạc toàn cầu của thị trường nhạc Việt. Ưu điểm của ca sĩ siêu thực là họ biểu diễn liên tục mà không bị ảnh hưởng về sức khỏe, tuổi tác, kỹ năng hay đời tư cá nhân. Chính điều này khiến họ trở thành một thần tượng tuyệt vời không dính hỉ nộ ái ố và thị phi đáng tiếc. Ngoài ra, họ được xây dựng tính cách đa dạng nhưng đậm đà bản sắc văn hóa quốc gia. Ngoại hình được chăm chút kỹ lưỡng, tài năng thì không kém nghệ sĩ ở đời thực bởi giọng hát đều được chọn lọc kỹ càng từ ca sĩ thực và tối ưu hóa bằng công nghệ Vocaloid. Gần như mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát, điều khiển của nhà sáng tạo nên rủi ro rất thấp. Họ dễ tạo ra một ca sĩ làm hài lòng số đông công chúng. Để đổi mới, bắt kịp thị hiếu đương thời, việc cần làm cho các đơn vị sáng tạo là liên tục cập nhật, nâng cấp các ca sĩ ảo này (tương tự như cập nhật phiên bản mới cho máy tính) từ ngoại hình, thời trang đến dòng nhạc.
Nhìn lại các quốc gia theo đuổi mô hình này, hầu hết họ đều gặt hái thành công. Chinh phục khán giả bằng những bản nhạc Pop với giai điệu tươi sáng, ngoại hình đáng yêu với mái tóc xám, mắt xanh, ca sĩ ảo Lạc Thiên Y hiện có 5 triệu người theo dõi trên Weibo. Mỗi chương trình biểu diễn của cô thu hút gần 150 triệu khán giả theo dõi qua tivi và điện thoại. Tương tự, các buổi biểu diễn hoành tráng của Hatsune Miku luôn cháy vé. Dàn ca sĩ ảo nổi tiếng không kém cạnh siêu sao đình đám thế giới, thậm chí còn biểu diễn chung với họ.
Lạc Thiên Y từng đứng cùng sân khấu với những tên tuổi lớn như Lưu Đức Hoa hay Andrea Bocelli. Còn Hatsune Miku từng hợp tác với Lady Gaga, Aleksander Kunach hay Pharrell Williams. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực ca hát, khi đã nổi tiếng, các thần tượng ảo như Lạc Thiên Y và Hatsune Miku còn là gương mặt ưa thích cho các nhãn hàng mời quảng cáo, đóng phim hoạt hình, game hay tự họ phát hành dòng sản phẩm của riêng mình như thời trang, nước hoa hay đồ chơi. Trong tương lai, các công ty chủ quản của ca sĩ ảo đang nghiên cứu kết hợp “gà cưng” của mình với trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp ca sĩ ảo suy nghĩ độc lập và giao lưu với người hâm mộ.
Nếu ca sĩ ảo ở nước ngoài có “sự nghiệp” rực rỡ đến thế thì ở Việt Nam, mọi thứ vẫn là bước chập chững thăm dò. Hiện tại, đơn vị phát triển mô hình vừa làm vừa lắng nghe ý kiến đóng góp của công chúng để hoàn thiện Michau và Damsan. Họ mong sau màn ra mắt ở Lễ hội Hò dô, khán giả sẽ đồng sáng tạo, đóng góp ý tưởng để họ hoàn thiện tạo hình lẫn giọng hát, dòng nhạc mà Michau và Damsan sẽ theo đuổi và cập nhật trong tương lai. Việc tạo nên một ca sĩ chiều theo sở thích, thị hiếu của công chúng khiến phía nhà sáng tạo kỳ vọng cặp đôi ca sĩ ảo này sẽ làm hài lòng khán giả và gặt hái thành công không kém cạnh đàn anh, đàn chị nước bạn. Theo đường hướng phát triển của nhà sáng tạo, dự tính cuối năm 2023, đầu năm 2024 ca sĩ ảo sẽ được đón nhận trên thị trường Việt Nam.
Giới trẻ luôn hào hứng trước những thứ mới mẻ, lạ lẫm. Do đó, sự xuất hiện của Michau và Damsan được họ rất mực quan tâm, bàn tán. Tuy vậy, mô hình ca sĩ thực tế ảo là miếng bánh không dễ ăn. Mô hình này cần sự giúp sức rất lớn từ công nghệ trong khi đó phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nền công nghệ nước ta còn lắm thiếu thốn và khá lạc hậu. Ngay cả kỹ xảo điện ảnh đơn giản, nhiều bộ phim của chúng ta vẫn làm chưa đến nơi đến chốn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Huy cho hay hiện đơn vị đang học tập quy trình sản xuất ca sĩ thực tế ảo của Nhật Bản, Trung Quốc và áp dụng vào điều kiện thực tế còn khá thiếu thốn của Việt Nam. Mọi khâu gia công, thực hiện đều do đội ngũ người Việt.
“Tuy còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi rất tự tin vì đội ngũ đồ họa, sản xuất âm nhạc, công nghệ 3D… của chúng ta rất giỏi, không thua kém gì nước ngoài. Do vậy, tôi không lo lắng mấy về công nghệ mà chỉ bận tâm làm sao để Michau và Damsan đến gần với khán giả, trở thành thần tượng của họ. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chất lượng là yếu tố hàng đầu” - ông nói.
P.T.U (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét