“Những nốt nhạc tỉnh thức”

Sinh năm 1981, khi đang theo đuổi chương trình đào tạo thạc sĩ âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga) chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng, năm 2007, Trần Nhật Minh về nước tham gia Chương trình "Giai điệu mùa thu" và đánh dấu mốc son chỉ huy trưởng dàn nhạc trẻ nhất của Việt Nam lúc bấy giờ.

Từ lần đầu trở về nước biểu diễn đó, đến nay, Trần Nhật Minh đã có quãng thời gian 15 năm gắn bó và làm việc tại Nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) và giảng viên bộ môn Chỉ huy tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Gặp anh bên ngoài sân khấu âm nhạc hàn lâm, trông Nhật Minh giống một diễn viên, hay một nhà sản xuất nhạc pop hơn bởi phong cách ăn mặc trẻ trung, hợp thời trang. Trong câu chuyện, mối bận tâm lớn nhất của Nhật Minh hiện nay vẫn là làm cách nào để nghệ thuật hàn lâm bớt xa lạ, được công chúng đón nhận nồng nhiệt hơn.

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp.

Khác với nhiều tài năng âm nhạc hàn lâm, Nhật Minh không phải con nhà nòi. Theo học piano cũng là thỏa ước nguyện của mẹ mong muốn được nghe con trai chơi đàn. Tuổi trẻ sôi nổi đã khiến Nhật Minh chọn ngành chỉ huy hợp xướng, thay cho việc tiếp tục tập luyện piano để trở thành một pianist chuyên nghiệp có đẳng cấp. Chỉ ít lâu sau, Nhật Minh đã giành giải nhì cuộc thi quốc tế danh giá dành cho chỉ huy trẻ tại Vladivostok, Nga (tháng 4-2003). Được sự động viên của Giáo sư Boris Tevlin, một người thầy nổi tiếng của thế giới về đào tạo chỉ huy, Nhật Minh tiếp tục theo học cao học tại Nhạc viện Tchaikovsky. “Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của tôi. Tôi được tham gia rất nhiều chương trình lớn, được tận mắt chứng kiến các nhạc trưởng nổi tiếng trong buổi tập cũng như trên sân khấu, được đi lưu diễn nhiều nơi tại Nga và cả châu Âu. Tôi học được từ giáo sư rất nhiều, có lẽ sự ảnh hưởng lớn nhất đến từ thầy là kỷ luật trong công việc. Ông luôn nói với các học trò rằng kỷ luật là yếu tố đầu tiên để dẫn đến thành công. Thầy cũng là người cho tôi sự tự tin để quyết định trở thành chỉ huy chuyên nghiệp”, Nhật Minh trào dâng cảm xúc khi kể về người thầy âm nhạc lớn của mình.

Tốt nghiệp cao học, Nhật Minh chọn trở về quê hương, thay vì những lời mời của các dàn nhạc tên tuổi trên thế giới, bởi lúc đó chỉ nghĩ đơn giản là muốn ở gần gia đình một thời gian và thử sức trong việc bước những bước đầu tiên trên con đường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Thế rồi, quá trình làm việc với một sự chân thành, nhiệt huyết và đam mê, Nhật Minh đã được những vòng tay ấm áp của lãnh đạo và nghệ sĩ HBSO đón nhận. “Điều này cũng may mắn giống như là tôi được theo học ở Tchaikovsky vậy. Càng làm việc tôi càng thấy yêu công việc này”, Nhật Minh bày tỏ.

Làm việc tại HBSO, với cơ hội đứng trước dàn nhạc lớn, Nhật Minh đã tự mình phấn đấu khắc phục được những thiếu sót của việc chuyển đổi, anh cho rằng điều quan trọng nhất là tư duy âm nhạc khi dàn dựng các tác phẩm khí nhạc. Không dừng lại ở việc chỉ huy, giảng dạy, sản xuất âm nhạc, Nhật Minh còn là người đồng sáng lập và duy trì dàn nhạc nhẹ Saigon Pops Orchestra, để đưa công chúng đến gần hơn với một thứ âm nhạc giàu lý tính nhưng vẫn đủ để giải trí - điều mà Minh luôn tâm đắc khi nhắc đến cuốn sách của Tricia Tunstall luôn được anh mang bên mình, có tựa đề “Những nốt nhạc tỉnh thức”. “Âm nhạc có thể tỉnh thức và nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp”, với Nhật Minh, muốn thế, phải tổ chức cho con người, bắt đầu từ trẻ em, biết cách tiếp cận với loại âm nhạc lành mạnh, có sức nâng đỡ và dẫn dắt tâm hồn đến các nấc thang có giá trị tích cực.

Trong nỗ lực nuôi dưỡng và tạo ra một tầng lớp khán giả trẻ yêu âm nhạc cổ điển, Trần Nhật Minh cùng với rất nhiều nghệ sĩ khác của HBSO nhiều năm qua bền bỉ phát triển thương hiệu Chương trình “Giai điệu mùa thu”; dự án “Giai điệu trẻ” nhằm trẻ hóa âm nhạc hàn lâm thông qua các đêm nhạc miễn phí dành cho sinh viên, học sinh với nhiều chủ đề đa dạng, hấp dẫn khán giả trẻ. Nhật Minh còn tham gia Chương trình “Thần đồng âm nhạc - Wonderkids” trong vai trò Giám đốc âm nhạc với mục tiêu đẩy mạnh giáo dục và tăng cơ hội tiếp xúc với âm nhạc cổ điển cho trẻ em.

H.B (HNS)

Nhận xét