Nếu các bạn thắc mắc vì sao nhiều người ở miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 biết thưởng thức nhạc giao hưởng – thính phòng và nhạc không lời là do là nhờ ảnh hưởng phương pháp giáo dục của Kabalevsky. Phương pháp này hướng dẫn nghe nhạc không lời thông qua nhiều phương tiện truyền thông bằng cách nghe nhạc có phân tích để hiểu, thúc đẩy nhận thức về cảm thụ âm nhạc, tạo ra các tình huống, đào sâu cảm xúc âm nhạc, không “áp đặt” trong thưởng thức âm nhạc, phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ em và mọi lứa tuổi. Ông tạo ra các chương trình để trẻ con đón nhận âm nhạc một cách tự nhiên nhất, tránh việc lặp đi lặp lại và nhàm chán, âm nhạc không phải chỉ học các ký hiệu mà còn cần cảm nhận âm nhạc trong cuộc sống thực tế,...
Sau này do sụp đổ của Liên Xô và các yếu tố xã hội khác, phương pháp này dường như bị lãng quên khiến nhiều thế hệ người Việt Nam đến nay "không biết thưởng thức" âm nhạc. Phương pháp giáo dục cảm thụ âm nhạc của Kabalevsky từng được đặt ngang hàng với các phương pháp khác châu Âu như Kodaly (Hungary), Dalcroze (Thuỵ Sĩ), Carl Off (Đức), nhưng ngày này do không có ai tiếp tục phát triển nên không còn được nhắc đến. Có lẽ một phần lí do ông là đảng viên, phương pháp được phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn Đảng Cộng sản Liên Xô lãnh đạo nên các nước phương Tây không đón nhận và bản thân Nga không tập trung trong việc phát triển âm nhạc giáo dục phổ thông bởi nhiều yếu tố.
Âm nhạc Kabalevsky phần lớn mang năng lượng tích cực, sống động, hiện hữu với tinh thần lạc quan chân thực. Tác phẩm mà có lẽ nhiều người Việt Nam biết, nhất là những người từng học tiếng Nga ở trường phổ thông là bài “Đất nước tôi” (Наш край) vì bài này được in vào sách tiếng Nga dạy cho học sinh ở Việt Nam, hay được hát dưới hình thức hợp xướng thiếu nhi, bài này được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ lời, tiếc là không tìm được bản thu nào cũng như lời hoàn chỉnh:
Dòng sông xanh uốn khúc chảy quanh quanh
Hàng bạch dương soi bóng đôi bờ
Trại hè vui chúng em đệm trăng thanh
Nhìn ngôi sao hạnh phúc sáng trong
Tuổi trẻ hát khúc ca ngợi tương lai
Lửa rực cháy không bao giờ phai
Tiếng gọi quê hương không phai mờ...
Giai điệu của tác phẩm được lấy từ chương III của Piano Concerto No. 3 của chính ông, bản concerto này có giai điệu rất đẹp, dễ nghe và cũng là một trong những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông. Kabalevsky tự giới thiệu về tác phẩm này như sau: “Khi giới thiệu về bài hát Tổ quốc tôi tại hòa nhạc, tôi muốn giúp những nghệ sĩ biểu diễn trẻ và người nghe hiểu và cảm thấy âm nhạc của tác phẩm này nói về họ - về những đứa trẻ của chúng ta, về các thiếu niên, thanh niên, về con người và thiên nhiên của Tổ quốc Xô Viết”
Kabalevsky là một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của Xô Viết và là một trong những người đứng đầu Hội Nhạc sĩ và Bộ Văn hóa Liên Xô. Sự nghiệp của ông được biết đến nhiều nhất trong vai trò của một nhà sư phạm âm nhạc, và ông có một niềm đam mê sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi. Ông sáng tác nhiều tác phẩm có kĩ thuật với nhiều cấp độ khác nhau nhưng vẫn giữ được tính thẩm mỹ cho người lớn để dẫn dắt cho thiếu nhi. Ông có nhiều đề xuất và xây dựng chương trình giáo dục âm nhạc cho trường học, vì ông tin rằng "cái đẹp khơi gợi sự tử tế" và đối với ông "sẽ không có âm nhạc lẫn cuộc đời nếu thiếu đi trẻ em".
Ông đại diện cho Liên Xô trong các tổ chức văn hóa quốc tế, điển hình là ông từng làm chủ tịch tổ chức ISME – Tổ chức quốc tế về giáo dục âm nhạc thuộc UNESCO. Ông tạo ra rất nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn hoạt động ở đây. Ngoài ra ông từng làm chủ tịch, là thành viên của Hội đồng Thế giới và là phó chủ tịch của một hội hợp xướng làm việc ở Anh, là giáo sư danh dự tại Nhạc viện ở Mexico City, và phụ trách lĩnh vực âm nhạc tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Liên Xô. Ông chủ trì ủy ban về giáo dục âm nhạc và thẩm mỹ, tham gia tích cực vào việc thành lập trường âm nhạc số 65 tại thành phố Magnitogorsk. Kabalevsky cũng là người tổ chức và lãnh đạo Phòng thí nghiệm Giáo dục Âm nhạc và là biên tập viên chính của một số tạp chí Liên Xô, một trong số đó do chính ông thành lập. Ông từng viết: “Chúng ta đừng bao giờ quên ngay mục đích chính của mình, đó là khiến khán giả quan tâm đến âm nhạc, để mê hoặc họ về mặt cảm xúc, để truyền cho họ tình yêu âm nhạc của chúng ta”.
Kabalevsky tin vào một tương lai tươi sáng: trẻ em sẽ quên cách khóc và sẽ chỉ cười to. Ông sáng tác nhiều vở nhạc kịch cho các em. Hầu hết chúng vẫn được diễn bởi các sinh viên của các trường âm nhạc trên khắp thế giới cho đến ngày nay. Ông đã viết rất nhiều bài hát cho trẻ em, cả về hợp xướng lẫn các ca khúc và nhiều tác phẩm piano cho thiếu nhi. Nội dung là về tình bạn, về những người tiên phong, về trường học, về lòng tốt, về sự giúp đỡ lẫn nhau, về Tổ quốc. Ông cũng đã viết nhiều cuốn sách về âm nhạc cho trẻ em: “Cuốn sách nói về âm nhạc", "Giáo dục trí tuệ và trái tim”, “Một cuốn sách dành cho giáo viên", "Làm thế nào để nói với trẻ về âm nhạc?”, "Ngôi sao xinh đẹp"…
Kabalevsky đã biên soạn một chương trình giáo dục để nghiên cứu âm nhạc trong trường học đã được phổ biến. Vào năm cuối cùng của cuộc đời nhà soạn nhạc, chương trình của ông đã dạy nhạc cho trẻ em ở hàng ngàn trường học ở Liên Xô. Sau năm 1991 Liên Xô giải thể, các nhạc viện bị nhà nước bỏ rơi. Ý tưởng của ông về việc triển khai hệ thống giáo dục âm nhạc ở các trường trung học cũng bị bỏ rơi. Đến năm 2015, chỉ có 3089 trường dạy nhạc trẻ em và trường nghệ thuật có khoa âm nhạc còn tồn tại ở Nga. Kabalevsky đã bị loại khỏi cả danh sách rút gọn các nhà soạn nhạc nổi danh thời Liên Xô và danh sách các nhà soạn nhạc được học tại các cơ sở âm nhạc địa phương. Những công trình của ông bị mai một do nhiều yếu tố mang tính chính trị nhưng những di sản của ông hiện nay vẫn được nhắc đến và công nhận.
(HNE)
Nhận xét
Đăng nhận xét