Âm nhạc – Liệu pháp chữa bệnh

Trước khi dùng thuốc, phẫu thuật và các thiết bị y tế như ngày nay, trong một thời gian dài, người xưa đã dùng âm thanh, tiếng động hay âm nhạc để chữa bệnh.

Tại phương Đông, âm nhạc còn là một liệu pháp đặc biệt gần như được áp dụng trong bách bệnh mà hữu hiệu nhất là tâm thần.


(Ảnh: internet)

Các vị vua Ba Tư - ajam là một trong những người đầu tiên dùng âm nhạc sama để giải trí, làm khuây khỏa tâm lý người bệnh. Âm nhạc giúp họ tránh xa ý định cực đoan, việc làm xấu cũng như sự giày vò bản thân. Trong cung điện và dân gian Ba Tư nói chung vì thế lúc nào cũng rộn ràng tiếng nhạc.

Đến thời các vị vua Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, người ta cũng dùng âm nhạc để chữa bệnh (gọi là bimaran), thông thường là gảy đàn với các khúc maqam giúp họ ngủ, cười vui và tập trung hơn. Trong đó khúc Maqam sfahan giúp ai nấy có suy nghĩ - yuhidd al-khawatir (phấn chấn, trong người không cảm thấy lạnh lẽo, buồn bực).

Việc chọn một khúc nhạc thích hợp đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự thúc đẩy tâm trạng, tâm trí một người, thậm chí còn khiến họ làm theo ý mình, kiểu như thôi miên vậy!

Có đại thể 12 điệu thức, cung bậc (sudud) mà thường được gắn với các chòm sao hoàng đạo. Đó là các vì tinh tú trên bầu trời, vũ trụ, mang tới sự hiền hòa lẫn giải phóng, sự hàn gắn, bồi hoàn lên thể trí con người.

Sở dĩ như vậy vì người Thổ Nhĩ Kỳ xưa, coi thế giới được tạo nên từ các thanh âm, tiếng nói của Thượng Đế. Do đó, thơ ca rất được coi trọng, và ở đây có những cuốn sách thánh thi rất dày ghi lời nói của Chúa Trời.

Và để chữa trị bệnh tật, thầy cốt (Kam) sẽ đánh trống (davul), rồi nhảy múa, ca hát vòng quanh nhằm thức tỉnh mọi sinh linh, đưa hồn người giao tiếp với thần thánh vũ trụ.

Trước khi có đạo Islam, mỗi ngày nhằm giữ gìn sự sống tưng bừng và theo nhịp (ku, kok) của vũ trụ, người Thổ Nhĩ Kỳ luôn chơi một điệu nhạc, với 365 ngày là 365 điệu.

Ngoài ra, trong một ngày cũng có chín, mười giai khúc khác nhau được tấu lên vào các thời điểm: Sáng - trưa, chiều - tối, cho thấy họ đã nhận thức rất rõ ràng về tác dụng của âm nhạc.

Và để hòa đồng cùng với thiên nhiên hùng vĩ, các sinh hoạt dân gian phong phú, triều đình đều dựng lên khắp nơi các ban nhạc (mehter) nhằm chơi được tất thảy các thể loại trong nhân sinh.

Âm nhạc chữa bệnh của Thổ Nhĩ Kỳ có tổng cộng hơn 80 kiểu thức (melody), song chỉ 12 kiểu được dùng nhiều nhất. Trong đó, neva để chữa đau đầu, đau thần kinh tọa; huseyni chữa sốt, cảm cúm; zengule chữa viêm màng não; rast chữa chứng liệt người và nhiều kiểu thức âm nhạc khác gây ngủ, buồn cười hay muốn khóc.

Nghe nhạc trước tiên là để thư giãn, sau đó kích thích các giác quan với quan niệm ốm đau là sự mất cân bằng của bốn thứ tâm trạng. Và để lấp đầy chúng chỉ có cách nghe nhạc, chơi đàn sáo…

Với văn nghệ sĩ, nhất là người theo tôn giáo Sufi, âm nhạc còn giúp họ nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tính cách, thanh lọc thân thể tâm thức và khai trí, ngộ đạo tìm đến được sự hoàn hảo.

Có thể nói, âm nhạc chứa một nguồn năng lượng và giá trị tinh thần rất lớn trong nhiều thời đại gồm Ottoman tại Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ có xưa kia dùng âm nhạc liệu pháp, các bác sĩ ngày nay cũng dùng nó để chữa bệnh, nhất là trong giai đoạn phục hồi sức khỏe.

Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ hãy còn bảo lưu được khá nhiều thủ bản, tranh vẽ đặc sắc về âm nhạc liệu pháp. Tư liệu này không những cho biết những tác dụng kỳ diệu của âm nhạc, mà còn về đời sống văn hóa, tinh thần rực rỡ của con người cách đây hàng nghìn năm.

C.M.C (HNS)

Nhận xét