Trước khi ChatGPT trở thành chủ đề nóng hổi trong các cuộc trò chuyện trên toàn thế giới, bộ phim "Her" của Spike Jonze từng tạo ra cú nổ khi kể một mối tình giữa con người và trí tuệ nhân tạo.
Có lẽ chỉ trong vòng 10 năm nữa, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành Theodore hoặc Amy - 2 con người hướng nội bị thu hút bởi các AI thông minh, trong Her. Những khán giả của tuổi 20 khi Her ra mắt vào năm 2013 đang trưởng thành và già đi với sự phát triển chóng mặt của công nghệ. Cùng với đó, chúng ta mang theo trong mình những nỗi buồn muôn thuở của sự đứt gãy, lạc lõng, cô đơn và mất kết nối với xung quanh.
Bộ phim mang thông điệp kết nối, giàu cảm xúc
Bộ phim xoay quanh nhân vật chính Theodore (Joaquin Phoenix), một nhà văn chuyên viết thư tình cho những người gặp khó khăn trong chuyện tình cảm. Tuy nhiên, chính anh lại lạc lõng và cô đơn trong cuộc đời mình. Để khuây khỏa, Theodore mua một hệ điều hành với trí thông minh nhân tạo, có khả năng tự thích ứng và cải tiến bản thân. Như yêu cầu của anh, hệ thống này lấy nhân cách nữ và chọn tên Samantha (Scarlett Johansson lồng tiếng). Chàng nhà văn dần thân thiết với hệ thống này đến nỗi nảy sinh tình cảm với nó.
Tình yêu giữa con người và trí tuệ nhân tạo
Không đơn thuần kể về một câu chuyện tình thời tương lai giữa người và máy, Her ghi đậm ấn tượng vì sự khả thi của viễn cảnh ấy. Trải nghiệm công nghệ cho người dùng - ở đây là Theodore, người đàn ông hướng nội là tâm điểm câu chuyện - đã trở thành chính xác như những gì quảng cáo hay nói: “Một trải nghiệm không giới hạn”. Với những mệnh lệnh đơn giản qua tai nghe, Theodore dễ dàng làm tất cả các việc như đọc thư, viết, đổi nhạc… mà không cần tốn một thao tác nào.
Cuộc sống “trơn mượt” bao bọc trong cảm biến như vậy đặt ra câu hỏi “Liệu cuộc đời có tốt hơn không?”. Như Theodore chẳng hạn: dù có tất cả công nghệ trong tay, một ngày điển hình của anh hầu như không nói chuyện với ai ngoài chiếc màn hình văn phòng. Theodore hiện lên với toàn bộ sự cô độc của một người đàn ông trung niên đã một lần gắn bó rồi đổ vỡ. Anh thay người khác viết những bức thư đẹp đẽ, mường tượng ra những chi tiết, những hành động nhỏ giữa người với người. Đó vừa là sự giải tỏa mà cũng là sự tra tấn tinh thần vì chính những chi tiết nhỏ của cuộc sống xưa cũ khiến anh thao thức hằng đêm.
Là một chương trình có khả năng thích ứng, Samantha dần hiểu được suy nghĩ của Theodore để có cách tiếp cận phù hợp. Quá trình đó dần dần tạo ra một thứ tình cảm giữa người và trí tuệ nhân tạo - thoạt nghe thì thật trái khoáy. Nhưng về bản chất, nó vẫn là sự gắn kết dựa trên sự thấu hiểu lẫn nhau.
Thời điểm anh nằm trên giường và bộc lộ hết sự tổn thương, sợ hãi trước suy nghĩ một ngày mình không còn nhiều cảm xúc như xưa, cũng là khi người xem và Samantha bắt đầu yêu anh. Bộ phim có những góc quay quá cận, có cảm tưởng như ta đang… cùng nằm trên giường với anh, nói với anh bằng giọng của Samantha. Đó là Samantha đang giúp ta nói ra những suy nghĩ của mình hay người xem hòa mình vào Samantha? Trong cùng cảnh phim, chính cô cũng dạy lại cho anh cách yêu bản thân vì cô trân trọng anh và cả hai vỡ òa trong những cảm thức mới về bản thể mình.
Người ta thường nói, khi ở ngoài, bao giờ chúng ta cũng nhìn sự việc rõ ràng hơn. Theodore mò mẫm trong bóng tối của những đổ vỡ cho đến khi anh chịu chấp nhận bản thân. Samantha, trong một bước chuyển mình của nhận thức, cũng dạy cho anh một bài học khác: cô bắt đầu biết yêu khi cô chấp nhận mình như mình vốn có, không thể giả vờ là một con người khác.
Câu chuyện về sự kết nối
Dẫn dắt người xem qua những biến đổi trên hành trình cảm xúc là màn đối thoại uyển chuyển, nhịp nhàng giữa Theodore và Samantha. Qua diễn xuất bậc thầy chỉ bằng giọng nói của Scarlett Johansson, chưa bao giờ một người tình “ảo” lại xuất hiện trên màn ảnh một cách nhẹ nhàng, ấm áp và đáng yêu đến thế. Samantha không chỉ thông minh vì “tiến hóa từng phút giây một” (do là AI - trích lời thoại trong phim) mà ở cô còn có sự sẵn lòng cống hiến để kết nối với Theodore - “cũng y như anh vậy”.
Her đã phá bỏ thêm một giới hạn về tính hiện diện của nhân vật. Điều này rất khác với các bộ phim làm về người và máy như S1mOne, Ex Machina hay Blade Runner 2049 - khi trí tuệ ảo vẫn phải được cho một dạng hình người, một khuôn mặt dù là hologram hay robot. Samantha thì không. Bằng duy nhất giọng nói, Samantha đưa người xem hình dung rõ những thái độ, biểu cảm và mọi mong muốn, bối rối của một con người.
Spike Jonze khéo léo khắc họa các trạng thái của một mối quan hệ, dù trong phim này là giữa con người và trí tuệ nhân tạo. Sau sự kết nối về tâm lý, 2 nhân vật chính đối diện ngay với vấn đề nhu cầu tình dục do sự thiếu thốn cơ thể thật của Samantha. Về sau, họ cũng có những căng thẳng như một cặp đôi đời thực. Anh thần tượng hóa người yêu của mình, rồi im lặng, bực tức khi nhận ra những phần “thiếu sót” của họ không giống như anh tưởng. Có lúc họ nói chuyện nhưng từ chối nhìn nhận quan điểm của nhau.
Bên cạnh câu thoại và kịch bản, Her còn thành công nhờ màn trình diễn thị giác tràn ngập sắc hồng mềm mại của tình yêu, của sự khao khát yêu và gánh nặng tình cảm xưa cũ. Danh tính của bộ phim được định hình từ 2 yếu tố đó và trên cả hai phương diện này, Her đều thành công vang dội.
Sau khi làm chúng ta yêu cả hai nhân vật, trong những thời khắc viên mãn, hạnh phúc nhất của cặp đôi này, góc quay của bộ phim lại ẩn ý về một trở ngại mà họ không thể vượt qua. Khung hình như chừa ra một chỗ nhỏ vừa đủ cho một người nữa đứng bên Theodore. Nó như xoáy vào sự cô đơn. Những khung hình làm chúng ta đau đớn dù nhân vật trên màn ảnh đang cười vui hạnh phúc, vì nó đích thực là một tình yêu xa vang lên trong câu hát We’re million miles away.
Her sở hữu cái kết để lại nhiều tâm tư cho khán giả, dù là suy nghĩ về chủ đề khoa học viễn tưởng hay chuyện tình yêu đôi lứa. Khi người bạn yêu không hề bị bó buộc bởi bất cứ giới hạn nào, bạn có đang tâm trở thành giới hạn của họ? Bài học cuối cùng Samantha để lại cho Theodore là buông tay, khi 2 người đã phát triển và xa rời nhau. Không phải là mất đi tình yêu, mà là vẫn còn yêu nhưng không vì yêu mà trói nhau lại trong sự ràng buộc để rồi chỉ còn lại sự tức giận.
Cô đã dạy anh cách yêu và anh đã học được cách chấp nhận. Chấp nhận tất cả những mặt của một người ta yêu để vẫn còn hẹn ước, nếu một ngày kia gặp lại thì không có gì ngăn cách được. Chấp nhận rằng bản thân đã nói những điều gây tổn thương người mình yêu. Chấp nhận rằng, sau mỗi tình yêu, trong chúng ta luôn có một phần của người yêu cũ.
Chúng ta không trống rỗng mà là tổng hòa của bản thân và những người - dù là máy hay là người - từng hiện ra rồi biến mất khỏi cuộc đời mình.
Trong bối cảnh ChatGPT đang gây sốt toàn cầu, Her - bộ phim từng nhận 5 đề cử Oscar - được nhiều khán giả quan tâm trở lại. Nó là một câu chuyện hấp dẫn về tình yêu, công nghệ với những dự báo đầy chiêm nghiệm về tương lai. Nhưng ở cốt lõi, bộ phim vẫn tô đậm những giá trị rất con người - ý nghĩa của việc kết nối.
(PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét