Bộ phim "Những đứa trẻ trong sương" lọt danh sách rút gọn gồm 15 phim tài liệu tranh giải Oscar 2023 được đạo diễn Hà Lệ Diễm mất gần 4 năm để thực hiện.
“Những đứa trẻ trong sương” (tựa Anh: Children of the Mist) là bộ phim tài liệu được thực hiện với nhiều tâm huyết của đạo diễn Hà Lệ Diễm.
Bộ phim vừa được chiếu ra mắt tại Hà Nội và khiến khán giả xem suất chiếu sáng 16.3 xúc động mạnh. Chia sẻ với Lao Động, khán giả Hoàng Hoa cho biết, cô như trải qua cú sốc về cảm xúc khi theo dõi hành trình trưởng thành của cô bé Di người Mông và bạn bè, khi sống cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn.
"Những đứa trẻ trong sương" đã giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế.
Đặc biệt, tác phẩm là phim đầu tiên của Việt Nam lọt vào đến danh sách rút gọn của 15 phim tài liệu tranh giải Oscar 2023.
Ngoài ra, tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế 2021 ở Amsterdam, Hà Lan (IDFA 2021), Hà Lệ Diễm được vinh danh ở hạng mục cá nhân quan trọng nhất - Đạo diễn xuất sắc nhất.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Docaviv, "Những đứa trẻ trong sương" thắng giải Phim quốc tế xuất sắc. Theo đạo diễn, tác phẩm đã nhận khoảng 34 giải thưởng và được mang đến hơn 100 liên hoan phim lớn nhỏ.
Ban tổ chức Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021 đánh giá: "Những nhà làm phim tài liệu đôi khi thiết lập các mối quan hệ mật thiết với nhân vật có thể gây trở ngại cho vai trò đạo diễn của họ. Nhưng Hà Lệ Diễm đã tạo được sự cân bằng, tách tình cảm của mình ra khỏi câu chuyện xúc động của cô gái Mông bị kẹt ở độ tuổi trẻ thơ và trưởng thành, giữa truyền thống và hiện đại, ở vùng quê Việt Nam xa xôi".
Mùa thu năm 2017, Lệ Diễm tham gia một dự án giúp đỡ người dân tộc thiểu số ở Sa Pa. Cô bị thu hút bởi những trò chơi tuổi thơ của cô bé Má Thị Di, cảm giác như được sống lại ngày bé khi nhìn Di đuổi bắt trên đồi, diễn kịch, trượt dốc.
Sự hồn nhiên của Di và bạn bè gợi lại tuổi thơ của Diễm. Nữ đạo diễn trẻ hình thành ý tưởng ghi lại hình thành trưởng thành của Di ở vùng núi Tây Bắc.
Đúng như cái tên “Những đứa trẻ trong sương”, phim mở ra một vùng núi mờ sương với những ngọn đồi hoang vắng, những khu dân cư thưa thớt ở một xã vùng núi tỉnh Lào Cai.
Ở đó, Di và những đứa trẻ đến trường vào sớm tinh mơ, vượt qua làn sương mù mịt để theo đuổi con chữ.
Di là người có tính cách mạnh mẽ, cá tính. Cô bé là sao đỏ ở trường học, nằm trong đội chào cờ và đã bước vào độ tuổi biết đánh son, làm đỏm.
Thời điểm này, Di bắt đầu sử dụng điện thoại và tiếp cận với mạng xã hội. Cô bé làm quen với những người bạn mới, có bạn trai, giận hờn, chia tay và có nhiều người để ý, tán tỉnh.
Lúc này, mẹ Di ngày càng lo lắng, kiểm soát con gái. Bởi lẽ, chính mẹ và chị gái của Di đều rơi vào một cuộc hôn nhân từ tục lệ kéo vợ của người Mông khi còn rất nhỏ.
Khi bị bố Di kéo đi, mẹ cô đã có người yêu và người đó đã tự tử. Còn chị gái Di bị nhà trai kéo vợ khi mới 15 tuổi và không có cơ hội từ chối. 18 tuổi, chị gái Di đã có 2 con.
Di đã từng nói với Hà Lệ Diễm về ước mơ "được đi học, kiếm được tiền giúp mẹ và đi chơi ở nhiều nơi”. Dưới ánh nến lập lòe của chiếc lồng đèn bằng tre, Di cười ngây ngô, hồn nhiên nói về một cuộc đời tự do.
Năm Di 15 tuổi, biến cố đã xảy ra. Trong một lần đi du xuân, cô bé gặp gỡ nhiều người bạn mới. Đến tối, căn nhà im lìm hơn mọi ngày. Di đã biến mất.
3 ngày sau, nhà trai mới đưa Di về nhà bố mẹ để thưa chuyện. Tuy nhiên, Di phản đối kịch liệt. Cảnh quay Di bị cưỡng ép, lôi kéo ra khỏi nhà khiến người xem và chính đạo diễn Hà Lệ Diễm ám ảnh.
"Qua hiện thực mà tôi tiếp xúc, tôi nhận ra mỗi người không hoàn toàn tốt hay xấu, đúng hay sai, giống như thực tế không chỉ là thuần đen hay trắng. Thực tế đôi khi chỉ là màu xám, đôi khi lại rất rực rỡ. Những con người trong câu chuyện có hơi xấu một chút, hơi tốt một chút, hơi khó hiểu, hoặc ở giữa tất cả”, đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ.
Cuối cùng, ở tuổi 15, Di đã không rơi vào một cuộc hôn nhân kéo vợ như chị gái và mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
(LDO)
Nhận xét
Đăng nhận xét