Kịch văn học - lịch sử tiếp tục được đón nhận ở học đường

Kiên trì hướng đi

Từ những Âm binh, Cát trắng như gạo, Mê Đê rồi đến Yêu là thoát tội, Vụ án cậu trời, Thành Thăng Long thuở ấy, NSND Hoàng Yến - Phó giám đốc và là nhà đầu tư tại nhà hát Thế giới Trẻ - vẫn bền bỉ một hướng đi: xây dựng một sân khấu “vì nghề”, không quá nặng mục đích kinh doanh.


Ê kíp vở diễn Yêu là thoát tội giao lưu với học sinh Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11) sau buổi diễn - ẢNH: N.L

Các vở diễn ra mắt luôn chỉn chu từ khâu chọn kịch bản, dàn dựng đến biểu diễn. Ê kíp chủ lực là các giảng viên, sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM nên sự chuẩn mực và cả tính sư phạm cũng được đặt lên hàng đầu.

Đó cũng là tiền đề để các tác phẩm của nhà hát Thế giới Trẻ nhận được sự quan tâm và trở thành đối tác phục vụ chương trình sân khấu học đường, tiết học trải nghiệm của nhiều trường học ở TPHCM và các tỉnh lân cận.

Cô Trần Thị Ngọc Phương - Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11) - cho biết, cách đây 5 năm, cô được mời xem công diễn vở Yêu là thoát tội. Nhận thấy vở rất gần với chương trình học đổi mới, có chất liệu tốt để phục vụ tiết học về tác giả Nguyễn Trãi cho học sinh, cô đã đề xuất thực hiện chương trình “Tiết học trải nghiệm cùng tác phẩm văn học”, đưa các em khối Mười một và Mười hai đến xem kịch.

“Điều thú vị là suất diễn học đường đầu tiên và thứ 100 của vở Yêu là thoát tội đều phục vụ học sinh Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa chúng tôi. Năm nay, 2 bên cũng gặp lại trong dịp kỷ niệm 5 năm công diễn vở. Ngoài tác phẩm đậm chất văn học, phù hợp các tiêu chí cho giờ ngoại khóa môn ngữ văn, chúng tôi cũng chọn gắn kết nhiều với nhà hát Thế giới Trẻ vì diễn viên phần lớn là những giảng viên có kỹ thuật diễn xuất tốt, đài từ rõ ràng, dễ truyền tải các câu thoại văn học giúp các em cảm thụ tác phẩm tốt hơn” - cô Phương chia sẻ.

Dù làm sân khấu không phải để kinh doanh nhưng những năm qua, NSND Hoàng Yến và các cộng sự luôn nỗ lực để bán từng chiếc vé vì tác phẩm sân khấu chỉ có giá trị khi đến được với công chúng. Từ năm 2018, với Yêu là thoát tội, nhà hát Thế giới Trẻ định hướng phục vụ sân khấu học đường rõ ràng hơn khi nối tiếp các vở Vụ án cậu trời, Thành Thăng Long thuở ấy đều là đề tài lịch sử và giàu chất văn học.


Vở Yêu là thoát tội kỷ niệm 5 năm công diễn với chuỗi suất diễn phục vụ học đường trong tháng 2 và tháng 3.

Thúc đẩy kết nối sân khấu- trường học 

Lần đầu đến xem kịch, cả Nguyễn Bảo Ngọc và Võ Yến Nhi (lớp 10C10 - Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đều tỏ rõ sự hào hứng khi xem trực tiếp các nghệ sĩ hóa thân thành người xưa trên sân khấu. “Em ấn tượng với mọi thứ từ dựng sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến các nhân vật đều rất nhập tâm. Xem Yêu là thoát tội cứ như được xuyên không về quá khứ để hiểu thêm về tâm sự, nỗi niềm của các nhân vật lịch sử, từ đó cũng có cảm nhận mới mẻ hơn về tác phẩm họ để lại” - Bảo Ngọc chia sẻ.

Yến Nhi cũng cho rằng, trải nghiệm tiết học với vở kịch không chỉ giúp em dễ tiếp nhận bài học hơn mà từ đó cũng tạo sự tò mò, hứng thú để tìm hiểu nhiều hơn về các nhân vật lịch sử trong vở.

Thực sự, để có những kết nối như thế này không hề đơn giản. Chị Phạm Thu Hằng (phụ trách chương trình sân khấu học đường của nhà hát Thế giới Trẻ) cho biết, phải chủ động tìm đến từng trường giới thiệu tác phẩm, mời các giáo viên đến xem. “Quan trọng nhất vẫn là chất lượng tác phẩm có thuyết phục được họ chọn mình hay không và cũng phải lắng nghe để có những điều chỉnh cho phù hợp” - chị Thu Hằng cho biết.

Theo thạc sĩ Trần Văn Hải (giáo viên tổ Văn, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa): “Hiện nay, xu hướng các sân khấu kết nối trường học càng rộng mở. Sân khấu phải chủ động vì họ có sản phẩm, còn chúng tôi có công chúng. Nếu sản phẩm và công chúng gặp nhau được sẽ thúc đẩy cùng phát triển. Để xây dựng tiết học trải nghiệm như thế này, chúng tôi cũng rất chọn lọc, phải đi xem rất nhiều vở để chọn được tác phẩm có tính giáo dục, tính lịch sử, văn học và thực tế với quá trình giảng dạy”.

Thầy Trần Văn Hải cho rằng, những chương trình kết nối này là cơ hội rất tốt để các sân khấu quảng bá, lan tỏa tác phẩm vì học sinh xem về sẽ truyền tai nhau, sẽ chia sẻ những hình ảnh, clip kỷ niệm trên các trang cá nhân, góp phần giúp tác phẩm sân khấu phủ sóng nhiều hơn.

(PNO)

Nhận xét