Nguy cơ từ ca sĩ ảo (Bài 1): Thị trường âm nhạc thế giới thay đổi ra sao khi AI thống lĩnh?

AI - Trí tuệ nhân tạo ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy công nghệ. Âm nhạc cũng không nằm ngoài vùng tác động của nó. Hàng loạt ca sĩ, nhóm nhạc ảo ra đời liệu có ảnh hưởng tới ngành công nghiệp âm nhạc hay không?

Ca sĩ ảo là gì?

Hồi tháng 1 vừa qua, MAVE:. một nhóm nhạc nữ K-pop bốn người do AI tạo ra đã gây chú ý trong lần xuất hiện đầu tiên trên chương trình âm nhạc truyền hình với bài hát đầu tay "Pandora's Box". Sự xuất sắc về kỹ thuật của nhóm, cho phép họ di chuyển và biểu diễn giống như con người. Điều này khiến khán giả kinh ngạc và ngưỡng mộ.

Ca sĩ ảo còn được gọi là thần tượng ảo, được tạo ra bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã có tác động đáng kể đến ngành công nghiệp âm nhạc kể từ khi được giới thiệu vào cuối những năm 1990. Những ca sĩ ảo này được tạo bằng phần mềm tổng hợp giọng nói cho phép người dùng tạo ra bài hát bằng cách nhập lời bài hát và giai điệu vào phần mềm.

Ca sĩ ảo đầu tiên, Hatsune Miku, được phát triển bởi Crypton Future Media vào năm 2007 bằng phần mềm Vocaloid của Yamaha. Hatsune Miku nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn hóa ở Nhật Bản và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Kể từ đó, nhiều ca sĩ ảo khác đã được phát triển bằng Vocaloid và các phần mềm khác như: Kagamine Rin, Len, Megurine Luka và GUMI.

Một trong những tác động đáng kể nhất của ca sĩ ảo đối với ngành công nghiệp âm nhạc là tái định hình khái niệm sản xuất âm nhạc truyền thống. Trước đây, sản xuất âm nhạc yêu cầu một nhóm gồm các nhạc sĩ và ca sĩ để tạo ra một bài hát. Tuy nhiên, các ca sĩ ảo đã giúp một nhạc sĩ có thể tự mình tạo ra ca khúc hoàn toàn mới mà không cần đến ai khác. Như vậy, việc sản xuất âm nhạc trở nên dễ tiếp cận với nhiều đối tượng hơn, cho phép các nhạc sĩ nghiệp dư sáng tạo và chia sẻ âm nhạc của họ dễ dàng hơn.


Nhóm nhạc ảo K-pop MAVE: .(Ảnh: IT).

Bên cạnh đó, AI cũng mang lại khả năng tạo ra âm nhạc một cách tự động. Sự phát triển của phần mềm sáng tác nhạc AI như Amper Music và AIVA đã cách mạng hóa quá trình sáng tạo âm nhạc. Các công cụ sáng tác nhạc do AI cung cấp này cho phép mọi người tạo ra bản nhạc mà không cần có kiến thức trước về lý thuyết âm nhạc hoặc nhạc cụ. Những công cụ này phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để tạo ra âm nhạc tương tự như những gì con người có thể tạo ra. Mặc dù âm nhạc do AI tạo ra có thể không nhiều "cảm xúc" bằng âm nhạc do con người tạo ra, nhưng nó là một điểm khởi đầu dễ tiếp cận cho các nhà sản xuất âm nhạc.

Các ca sĩ ảo cũng giúp các nhạc sĩ và nhà sản xuất thử nghiệm âm thanh và phong cách khác nhau mà các ca sĩ thật phải "bó tay". Những rào cản vốn trước đây bị giới hạn bởi thể chất của các "ca sĩ người" nay có thể thành hiện thực. Ví dụ, ca sĩ ảo có thể hát ở cao độ hoặc tốc độ mà con người không thể làm được, hoặc thậm chí hát bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Một tác động khác của ca sĩ ảo đó là tính tương tác sâu của họ đối với fandom. Thần tượng ảo như Hatsune Miku đã trở thành hiện tượng văn hóa, người hâm mộ có thể tự tạo ra âm nhạc do chính thần tượng của mình biểu diễn. Điều này đã dẫn đến một hình thức fandom âm nhạc mới, nơi những người hâm mộ ca sĩ ảo trở nên đắm chìm vào chính âm nhạc của họ tạo ra.

Hơn nữa, nhờ công nghệ 3D tiên tiến, các ca sĩ ảo có thể biểu diễn trực tiếp tại các buổi hòa nhạc "không biết mệt". Vì thế, những buổi biểu diễn của ca sĩ ảo luôn là một màn trình diễn âm thanh, ánh sáng khiến cho người hâm mộ thích thú, có thể quy tụ hàng chục nghìn người.

Các buổi biểu diễn mang tên "Magical Mirai" của Hatsune Miku đã được tổ chức hàng năm kể từ năm 2013 đã thu hút hàng nghìn người hâm mộ mỗi năm. Năm 2019, buổi hòa nhạc được tổ chức tại Osaka và Tokyo, với tổng số 126.000 người tham dự trong sáu buổi diễn.

Buổi hòa nhạc "Xin chào, thế giới" của Kizuna AI được tổ chức vào năm 2019 tại Nhật Bản và cũng có một lượng khán giả đáng kể. Sự kiện được tổ chức ở ba địa điểm khác nhau và thu hút tổng cộng 18.000 người hâm mộ. "Party A GO-GO" của IA được tổ chức vào năm 2018 tại Nhật Bản, với tổng số 8.500 người hâm mộ tham dự sự kiện.

Các ca sĩ ảo đã có tác động lớn đến ngành công nghiệp âm nhạc, thay đổi khái niệm truyền thống về sản xuất âm nhạc và mở ra những khả năng mới cho sự sáng tạo và hợp tác. Khi công nghệ đằng sau các ca sĩ ảo tiếp tục phát triển, dễ nhận thấy  các ca sĩ ảo sẽ ngày càng có vị trí trong ngành công nghiệp này trong tương lai.

Ca sĩ ảo - Trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ của nghệ sĩ đích thực

Mặc dù âm nhạc và các ca sĩ ảo do AI tạo ra đỡ tốn công và yêu cầu chi phí rẻ hơn để tạo ra, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là nó sẽ trở nên nổi tiếng hoặc được đón nhận nồng nhiệt. Giống như bất kỳ hình thức âm nhạc nào khác, âm nhạc do AI tạo ra vẫn cần được làm tốt khâu sáng tác, sản xuất và có tác động đến cảm xúc của người nghe để thành công.

Dù sở hữu các mặt tích cực, AI vẫn đang nằm ở "khoảng xám" trong ngành công nghiệp âm nhạc. Giữa năm 2022, FN Meka là một rapper, nhạc sĩ ảo đầu tiên được một hãng thu âm lớn ký hợp đồng. Mặc dù ý tưởng ban đầu rất độc đáo, nhưng rất nhanh chóng, Capitol Records đã chấm dứt dự án vào tháng 8/2022 do gặp nhiều phản đối. Dư luận cho rằng, hình ảnh, phong cách nổi loạn và lời bài hát đầy tính khêu gợi của nhân vật đều dựa trên các yếu tố khuôn mẫu bắt nguồn từ các nghệ sĩ đời thực như Travis Scott, 6ix9ine và Lil Pump.

Vào ngày 22/3, Trần San Ni, nữ ca sĩ nổi tiếng Đài Loan, người từng phát hành 16 album solo và sở hữu tới 5 giải thưởng Golden Melody Awards đã cho ra mắt ca khúc "Teach me the way to be your love". Ca khúc nhanh chóng được xem hơn 180.000 lần trên Weibo và bài đăng của Trần San Ni đã nhận được  hơn 8.000 lượt thích và đăng lại hơn 1.600 lần trên Facebook. Nữ ca sĩ sau đó khiến cho người hâm mộ bất ngờ khi công bố ca khúc của mình là sản phẩm của AI. Cô đã phối hợp với một phòng thí nghiệm AI, các nhà nghiên cứu tổng hợp dữ liệu có sẵn về giọng ca của cô, phối trộn thành bài hát, sau đó cô là người "dạy" cho AI cách hát của mình để cuối cùng cho ra nhạc phẩm kể trên.

San Ni bày tỏ sự lo lắng về AI đối với tác quyền âm nhạc, tuy nhiên, vẫn khẳng định các ca sĩ thực sẽ có cách để đứng ngoài dòng chảy của công nghệ. "Tôi tin rằng, công việc của nhà sản xuất âm nhạc là không thể thay thế bởi AI. Làm thế nào để AI có thể thăng hoa về mặt cảm xúc, từ đó khơi gợi trí tưởng tượng như con người?", cô nói. Nữ ca sĩ cũng cho biết, việc sử dụng ca từ một cách mềm mại, đa nghĩa vốn dĩ là khả năng của con người, sẽ mất một chặng đường dài AI mới có thể đuổi kịp.

Pierre David Guetta, được biết đến với nghệ danh David Guetta, là một DJ, nhà viết nhạc, nhà sản xuất thu âm và remixer người Pháp. Mới đây, anh đã gây ra tranh cãi khi anh ấy chia sẻ một video có giọng hát của nam rapper đình đám Eminem do AI tạo ra. 

Trước nhiều luồng ý kiến khác ngay, nói với BBC, David Guetta nhận định tương lai của âm nhạc nằm ở AI với tư cách là một công cụ nhưng không gì có thể thay thế được gu âm nhạc của một nghệ sĩ. Đối với Guetta, gu âm nhạc của một nghệ sĩ và cảm xúc thể hiện sẽ định danh họ, và họ sẽ sử dụng các công cụ âm nhạc hiện đại để đạt được điều đó. 

Anh cũng nhấn mạnh rằng, công nghệ mới và những đổi mới là rất quan trọng trong việc tạo ra các thể loại và phong cách mới. Ví dụ, sẽ không có rock 'n' roll nếu không có guitar điện, không có acid house nếu không có Roland TB-303 hoặc máy đánh trống Roland TR-909, và không có hip-hop nếu không có sampler.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Korea Herald, Giám đốc kỹ thuật của Metaverse Entertainment Kang Sung Ku và Giám đốc nghệ thuật Ahn Sung Won chia sẻ cần có sự cân bằng giữa công nghệ và chiến lược cho sự thành công của MAVE:. Họ giải thích, trong khi nhóm của Kang tập trung vào công nghệ thời gian thực để tạo ra các chuyển động tự nhiên hơn cho các ca sĩ ảo, thì Ahn đã xây dựng "vũ trụ" mà nhóm sẽ phát triển. Trong đó, bốn thành viên MAVE: đến từ một thành phố trong tương lai, nơi cảm xúc không còn tồn tại, rơi xuống thế giới thực và trở thành ca sĩ K-pop. Câu chuyện độc đáo, kết hợp với năng lực kỹ thuật của nhóm, đã cho phép MAVE: nổi bật trong ngành công nghiệp K-pop có tính cạnh tranh cao.

Trong khi một số người hâm mộ bày tỏ lo ngại rằng MAVE: có thể cạnh tranh với thần tượng con người, Ahn nhấn mạnh rằng nhóm không có ý định làm như vậy. Thay vào đó, họ hy vọng sẽ mở đường cho một thị trường ngách mới trong ngành, nơi các nghệ sĩ khác nhau có thể khám phá những cơ hội mới.

Âm nhạc do AI tạo ra có thể cung cấp một cách sản xuất âm nhạc hiệu quả, nhưng có vẻ như nó vẫn cần yếu tố "con người" có thể làm cho âm nhạc trở nên thực sự độc đáo và đặc biệt. Cảm xúc của con người sẽ mang lại mức độ sáng tạo, ngẫu hứng và sự kết nối cho âm nhạc mà khó có thể tái tạo chỉ với AI.

Hơn nữa, ngành công nghiệp âm nhạc có tính cạnh tranh cao, với hàng triệu nghệ sĩ ngày đêm sáng tạo. Âm nhạc do AI tạo ra vẫn là một khái niệm tương đối mới và chưa được ngành công nghiệp âm nhạc chính thống chấp nhận hoàn toàn. Do đó, có thể mất một thời gian rất dài để âm nhạc do AI tạo ra được công nhận và có thể sở hữu được một số lượng người hâm mộ đáng kể.

(HNO)

Nhận xét