'Oppenheimer' - Thế chiến II qua góc nhìn của Nolan

Người kiến tạo tương lai hay kẻ hủy diệt nhân loại - ranh giới mong manh được Christopher Nolan xây dựng trong phim về cha đẻ bom nguyên tử "Oppenheimer".

Dựa trên cuốn tiểu sử ra mắt năm 2005 American Prometheus của Kai Bird và Martin J. Sherwin, phim xoay quanh J. Robert Oppenheimer (Cillian Murphy thủ vai), người được coi là "cha đẻ" của bom nguyên tử. Tác phẩm đề cập quá trình nghiên cứu ban đầu của Oppenheimer, vai trò chỉ đạo của ông đối với Dự án Manhattan và những tranh cãi trong phiên điều trần an ninh năm 1954 với những cáo buộc ông là gián điệp của Liên Xô.


Tài tử Cillian Murphy vào vai "cha đẻ" bom nguyên tử - Oppenheimer. Ảnh: Universal

Nhắc tới Oppenheimer, nhiều người nghĩ ngay đến bom nguyên tử - loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp nhất từ Thế chiến II. Christopher Nolan từng nói như nhiều người cùng thế hệ, ông bị ám ảnh bởi ngày tận thế khi lần đầu tiên nghe đến cái tên này. "Khi khoảng 12, 13 tuổi, chúng tôi tin chắc mình sẽ chết trong một thảm họa hạt nhân. Tôi nghĩ điều đó giống như cách giới trẻ ngày nay cảm nhận về biến đổi khí hậu. Dù có thích hay không cũng phải thừa nhận J. Robert Oppenheimer là người đàn ông quan trọng nhất từng tồn tại", Nolan đánh giá.

Đạo diễn đem tới một góc nhìn đa chiều về chiến tranh, khoa học cũng như đào sâu vào tâm lý của nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử nhân loại. "Ông ấy đã khiến thế giới mà chúng ta đang sống trở nên tốt đẹp hơn, hoặc tồi tệ đi. Câu chuyện về cuộc đời của Oppenheimer cần phải chứng kiến mới có thể tin được", đạo diễn nói.

Oppenheimer có hai tuyến truyện song song xuyên suốt chiều dài ba tiếng. Đầu tiên là quá trình từ lúc bắt đầu tới lúc Oppenheimer chiêu mộ các nhà khoa học tới Los Alamos ở New Mexico (Mỹ) - nơi đã tạo nên bom nguyên tử. Câu chuyện còn lại là phiên điều trần khi Oppenheimer bị điều tra an ninh. Với một đề tài tưởng như khô khan và liên quan tới các lĩnh vực học thuật như vật lý, hóa học, thiên văn nhưng Christopher Nolan đã khéo léo sử dụng thứ ngôn ngữ điện ảnh rất mềm mại, chút hài hước và có cả trinh thám. Sau cùng, đạo diễn đưa vào phim những day dứt, trăn trở trước một câu chuyện lịch sử để tìm ra những điểm chạm cảm xúc với người xem.

Nhân vật Oppenheimer có một cuộc đời phức tạp. Là một người gốc Do Thái, ông có thời tuổi trẻ chu du khắp châu Âu học hỏi khoa học từ những bộ não uyên bác nhất rồi tới những năm tháng thăng trầm khi ngoại tình, trầm cảm, được coi như người hùng chấm dứt chiến tranh, cuối cùng bị dư luận bới móc đời tư, quá khứ để hủy hoại thanh danh.

Từng hỷ nộ ái ố trong cuộc đời của Oppenheimer được Christopher Nolan đưa lên màn ảnh qua diễn xuất của tài tử Cillian Murphy - người từng đóng vai phụ trong bom tấn Inception của Nolan năm 2010. Từ nhiệt huyết cả tuổi trẻ cho khoa học, những nỗi đau thầm kín cho tới dằn vặt lương tâm trong nhiều giai đoạn cuộc đời Oppenheimer đều được diễn viên người Ireland thể hiện thuyết phục.

Ngay từ những phút đầu tiên, phim mang tới bầu không khí đặc quánh và dồn nén, như thể một quả bom đang chờ phát nổ mà chẳng ai biết rõ khoảnh khắc ấy sẽ đến khi nào. Oppenheimer có nhiều nhân vật, nhiều thoại và nói rất nhanh, đòi hỏi người xem phải tập trung xuyên suốt 180 phút để không bỏ lỡ chi tiết nào. Christopher Nolan đã xây dựng một "bản đồ" toàn diện mà trong đó, mỗi nhân vật khi xuất hiện, những câu thoại hay cả thời khắc được chờ đợi nhất - bom nguyên tử xuất hiện - đều có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Các yếu tố cùng tạo nên một cấu trúc điện ảnh vẫn đi theo nguyên tắc kể chuyện cổ điển của Hollywood nhưng lại có phá cách trong nhịp độ để người xem tự tìm ra những góc nhìn riêng.

Oppenheimer có thể coi là tác phẩm có hệ thống nhân vật "đồ sộ" nhất của Christopher Nolan, với ít nhất là hơn 30 nhân vật đóng vai trò quan trọng và xuất hiện lần lượt bên cạnh nhân vật chính Oppenheimer. Ngoài Cillian Murphy, phim cũng quy tụ dàn sao, từ những người từng làm việc với Nolan ở các tác phẩm trước như Interstellar (Matt Damon và Casey Affleck), The Dark Knight (Gary Oldman) đến những ngôi sao hạng A như Emily Blunt, Robert Downey Jr, Josh Harnett, Florence Pugh, Rami Malek...


Robert Downey Jr gây ấn tượng với vai Lewis Strauss trong tuyến truyện về phiên điều trần, có phần hình ảnh kể với tông màu đen trắng. Ảnh: Universal

Các ngôi sao có người ít, người nhiều đất diễn nhưng đều ghi dấu ấn riêng. Nổi bật trong dàn phụ là Emily Blunt, Robert Downey Jr và Florence Pugh. "Người Sắt" Robert Downey Jr vào vai Lewis Strauss, trong lịch sử là ủy viên sáng lập của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử năm 1947 và đóng vai trò then chốt trong việc định hình chính sách hạt nhân thời hậu chiến của Mỹ. Với lối diễn tinh tế bằng ánh mắt, Robert Downey Jr tạo nên một đối trọng với Cillian Murphy - kẻ nóng, người lạnh - và tạo nên tuyến truyện đầy căng thẳng, kịch tính về phiên điều trần 1954.

Nhiều dự đoán sớm trên các chuyên trang điện ảnh cho rằng Cillian Murphy là ứng viên cho giải nam chính, trong khi Emily Blunt và Robert Downey Jr có thể là nữ phụ và nam phụ xuất sắc của mùa giải thưởng điện ảnh năm sau.

Là phim về cha đẻ của bom nguyên tử nhưng Christopher Nolan đào sâu nhiều hơn về những biến động tâm lý sau khi quả bom phát nổ, từ đó nhận thấy một nỗi buồn chiến tranh. "I Am Become Death, the Destroyer of Worlds" (Tôi trở thành cái chết, kẻ hủy diệt thế giới) - câu nói nổi tiếng của Oppenheimer vang lên vào đúng thời khắc quan trọng. Lằn ranh giữa một người hùng và kẻ tội đồ quả thực mong manh. Một người đàn ông bị những khả năng vô hạn của khoa học quyến rũ, lao mình vào cống hiến để kiến tạo tương lai rồi tạo ra một thứ vũ khí có thể hủy diệt nhân loại trong chớp mắt.

Đó là niềm vui, hay nỗi buồn? Chẳng thể có một câu trả lời chính xác tuyệt đối.

Christopher Nolan chọn lối kể chuyện khách quan cho Oppenheimer cùng một cái đầu lạnh, bởi lẽ khoa học sẽ không ngừng được kiến tạo. Ở đó, không có chỗ cho những trái tim yếu mềm.

Là phim thứ 12 trong sự nghiệp của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan, Oppenheimer cũng là tác phẩm có thời lượng dài nhất (180 phút), tiếp nối chủ đề Thế chiến II từ Dunkirk (2017). Sau hai tuần chiếu toàn cầu và đạt doanh thu gần 600 triệu USD, trở thành phim đề tài thế chiến ăn khách nhất mọi thời, Oppenheimer ra mắt khán giả Việt Nam ngày 11/8.

Hậu trường cảnh nổ bom nguyên tử trong 'Oppenheimer'

Đạo diễn Christopher Nolan làm nhiều thí nghiệm trước khi tái hiện vụ thử hạt nhân Trinity trên phim trường "Oppenheimer".

Theo National Geographic, việc tái hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên trên thế giới có mật danh Trinity thách thức các nhà làm phim, thậm chí với Christopher Nolan, "phù thủy" của những bom tấn.

"Thử nghiệm Trinity trong phim phải lột tả sự kinh hoàng và đáng sợ. Nó phải có vẻ đẹp đồng thời gợi nỗi ám ảnh. Đó là điểm tựa để làm bật toàn bộ câu chuyện", Nolan nói.

Ngoài đời, sự kiện Trinity do Lục quân Mỹ tiến hành ngày 16/7/1945 ở bang New Mexico (Mỹ), mở ra thời kỳ con người áp dụng công nghệ hạt nhân vào lĩnh vực quân sự. Nhà vật lý J. Robert Oppenheimer, giám đốc Phòng thí nghiệm Los Alamos, đặt tên cuộc thử nghiệm là "Trinity" do lấy cảm hứng từ một bài thơ của John Donne.

Nolan từng sử dụng đồ họa máy tính để mô tả vụ nổ hạt nhân trong The Dark Knight Rises (2012), nhưng lần này ông không dùng CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Theo đạo diễn, CGI không thể tái tạo đầy đủ mối đe dọa về cuộc thử nghiệm và tác động của bom nguyên tử.

Nolan nhờ sự giúp đỡ của giám sát hiệu ứng hình ảnh Andrew Jackson, người từng giành giải Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc Oscar 2021, khi hoàn thành kịch bản Oppenheimer.

Địa điểm ban đầu thực hiện vụ nổ Trinity là một căn cứ quân đội sự hoạt động, cách trụ sở của Dự án Manhattan (năm 1942-1947) ở Los Alamos hơn 418 km. Tuy nhiên, tại đây có nhiều ngôi nhà hiện đại, đồng thời việc dựng lại bối cảnh tốn kém. Đoàn phim quyết định quay ngoại cảnh ở sa mạc Ghost Ranch ở Belen, New Mexico.

Thiết kế sản xuất Ruth De Jong và giám sát hiệu ứng đặc biệt Scott Fisher chịu trách nhiệm chế tạo quả bom. Họ tiến hành thí nghiệm: Đập các quả bóng bàn vào nhau, ném sơn lên tường và pha chế dung dịch magiê phát sáng. Kế tiếp, họ quay lại trên camera kỹ thuật số siêu cận cảnh, ở các tốc độ khung hình khác nhau.

Để tái hiện lại sự kiện ngoài hiện trường, đoàn phim dựa vào một thủ thuật gọi là forced perspective, cách phối cảnh sử dụng nghệ thuật sắp đặt các chủ thể, hình khối để làm cho một vật thể xa hơn, gần hơn, lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với thực tế, dựa theo kỹ thuật phối cảnh và luật xa - gần.

Bằng cách tạo ra một phiên bản nhỏ hơn của sự kiện Trinity trong quá khứ, khi được quay cận cảnh, ảo ảnh quang học mang lại cảm giác chân thực cho người xem.


Đạo diễn Christopher Nolan (thứ hai từ phải qua) chỉ đạo trên phim trường "Oppenheimer". Ảnh: Universal Pictures

Quả bom trong phim được làm từ năng lượng khí đốt. Fisher và Jackson pha chế thêm một hỗn hợp để tạo ra ánh sáng và những vệt màu đỏ, thành phần gồm xăng, propan, bột màu đen, bột nhôm và pháo sáng magiê.

Đội ngũ giám sát kích hoạt bom, sau đó kết hợp các yếu tố như sóng xung kích, hiệu ứng ánh sáng, kim loại nóng chảy và các loại pháo hoa để tăng hiệu ứng thị giác. Trong đó, ngọn lửa là sự kết hợp giữa xăng và khí propan. Bột màu đen, bột nhôm và magiê được thêm vào đám cháy để tạo ra ánh sáng chói và tiếng nổ. "Chúng tôi muốn khán giả bàn luận về độ sáng đó, cho nên chúng tôi đã cố gắng tái tạo điều đó giống thật nhất có thể", Fisher nói với trang SYFY.

Trong cuộc trò chuyện với Empire, đạo diễn Christopher Nolan cho biết các kỹ thuật này nhằm giúp khán giả hình dung sự thông minh và tài năng của nhà vật lý Oppenheimer. Theo Nolan, việc mô phỏng lại đám mây hình nấm và tia chớp trong vụ thử hạt nhân chỉ là bước đầu cho thử thách thể hiện tầm vóc của Opennheimer.

Theo Nolan, Andrew Jackson là một trong những người đầu tiên được ông cho xem kịch bản hoàn chỉnh. Đạo diễn muốn xem liệu Jackson có thể đưa ra các phương pháp để tạo ra hiệu ứng trên trường quay hay không. Nolan cũng yêu cầu giám sát hình ảnh cố gắng đặt mình vào quá trình Oppenheimer suy nghĩ về cách thức hoạt động của bom nguyên tử. "Tôi muốn thử tìm hiểu tâm trí của Oppenheimer bằng hình ảnh biểu tượng và cách ông hình dung về thế giới lượng tử", đạo diễn nói.


Poster phim "Oppenheimer". Ảnh: Universal Pictures

Christopher Nolan nổi tiếng với những lần "chịu chi" và hạn chế sử dụng kỹ xảo điện ảnh. Ở The Dark Knight (2008), cảnh xe tải của Joker bị Batman lật ngược giữa không trung được thực hiện với sự hỗ trợ của dây cáp bảo hộ.

Trong Inception (2010), Nolan cho nổ tung bối cảnh tiệm đồ uống The Paris Café, được camera quay chậm và khán giả có thể quan sát rõ từng mảnh vỡ. Với Interstellar (2014), nhà làm phim cho trồng một ruộng bắp rộng hơn 200 hecta. Tiêu biểu, trong Tenet (2020), đạo diễn gây chú ý khi cho nổ tung chiếc máy bay Boeing 747, thay vì sử dụng CGI hay mô hình giả lập.

'Oppenheimer' được cấp phép chiếu rạp Việt

"Oppenheimer" - bom tấn về nhà khoa học nổi tiếng của đạo diễn Christopher Nolan - sẽ chiếu ở Việt Nam ngày 11/8.

Chiều 3/8, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục điện ảnh - cho biết tác phẩm sẽ được cấp phép phát hành trong vài ngày tới. "Nội dung phim không thay đổi gì, chỉ biên tập ở một số lời thoại", ông nói.

Trước đó, tác phẩm gây xôn xao vì tin không vượt vòng kiểm duyệt khi công chiếu trong nước, do nhiều tình tiết liên quan về lịch sử, chính trị. Phim ban đầu dự kiến ra rạp tháng 7 - cùng thời điểm chiếu ở Mỹ, Anh, song phải lùi lại.

Oppenheimer là một trong những bom tấn được đón chờ nhất trong năm, đánh dấu sự trở lại của đạo diễn kỳ cựu Christopher Nolan. Phim thuộc thể loại sử thi - giật gân, với nhân vật trung tâm là J. Robert Oppenheimer, nhà vật lý lý thuyết, người đứng đầu phòng thí nghiệm Los Alamos, thời kỳ Thế chiến thứ hai. Ông đóng vai trò quan trọng trong Dự án Manhattan, tiên phong trong nhiệm vụ phát triển vũ khí hạt nhân, được xem là một trong những "cha đẻ của bom nguyên tử".

Trailer phim - ra mắt hồi tháng 5 - giới thiệu các diễn biến đầu của phim. Dự án vũ khí hạt nhân được nghiên cứu, xuất phát từ nỗi lo thất bại trước cuộc chạy đua vũ trang với Đức Quốc Xã. Một phòng nghiên cứu bí mật được tạo ra, một thị trấn được xây nên, để "giữ tất cả ở đó cho tới khi hoàn thành". Toàn bộ nhà khoa học cùng gia đình di chuyển tới một nơi đồng không mông quạnh. Trailer giới thiệu nhiều nhân vật khác, trong đó có người vợ luôn sát cánh với Oppenheimer - nhà nghiên cứu sinh vật học Katherine "Kitty" Oppenheimer (Emily Blunt đóng).

Cillian Murphy đảm nhận vai Oppenheimer, đánh dấu phim điện ảnh thứ sáu của diễn viên này với Nolan. Dàn sao trong phim còn có Matt Damon, Florence Pugh. Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Robert Downey Jr., là phim điện ảnh đầu tiên của anh kể từ khi kết thúc vai Iron Man trong MCU.

Tác phẩm do Christopher Nolan viết kịch bản và đạo diễn. Phim dựa trên cuốn tiểu sử American Prometheus năm 2005 của Kai Bird và Martin J. Sherwin. Êkíp còn có Ludwig Göransson - nhà soạn nhạc phim Tenet, Hoyte van Hoytema - nhà quay phim từng hợp tác Nolan trong Interstellar, Dunkirk và Tenet. Biên kịch Jennifer Lame - từng tham gia Black Panther: Wakanda Forever, Manchester by the Sea và Marriage Story - cũng góp mặt trong dự án.


Poster "Oppenheimer" tại Việt Nam. Ảnh: CGV

Phim được công chiếu tại Bắc Mỹ và nhiều thị trường trên thế giới từ ngày 21/7, thu 174 triệu USD trong tuần mở đầu, nhận ý kiến đánh giá tích cực của các nhà phê bình cũng như khán giả. Sau 10 ngày, phim đạt doanh thu 434 triệu USD, kinh phí làm phim là 100 triệu USD. 422 ý kiến các chuyên gia trên chuyên trang điện ảnh Rotten Tomatoes đánh giá phim tích cực, với số điểm 93%.

TH

Nhận xét