Joshua (John D.Washington đóng) bắn đồng đội để bảo vệ siêu vũ khí AI khỏi quân đội Mỹ, trong phim "The Creator".
Tác phẩm hành động khoa học viễn tưởng The Creator (Kẻ kiến tạo) lấy bối cảnh tương lai, khi những cỗ máy AI (trí tuệ nhân tạo) được tạo ra để nâng cao chất lượng sống cho con người. Nhưng AI cho nổ một đầu đạn hạt nhân tại Los Angeles, chính phủ Mỹ thành lập lực lượng nhằm tiêu diệt các robot AI.
Ở vùng New Asia, nhân vật chính - đặc vụ Mỹ Joshua (John David Washington) - tiếp cận Maya (Gemma Chan) nhằm khai thác thông tin, nhưng hai người nảy sinh tình cảm. Sau cuộc tấn công của vệ tinh hạt nhân NOMAD, Joshua quay về Mỹ vì nghĩ Maya đã chết.
Đạo diễn lồng ghép những thông điệp về lòng nhân đạo, sự đa dạng giống loài nhằm lên án chiến tranh phi nghĩa. Ban đầu, New Asia hiện lên như một vùng đất trù phú với sự giao thoa giữa công nghệ và truyền thống, nơi con người và AI chung sống. Khi quân đội Mỹ tiến đến, khu vực này trở thành chiến trường gây ám ảnh. Những cảnh cháy nổ, máu me cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh.
Chính phủ lợi dụng nỗi đau mất vợ của Joshua để tham gia vào chiến dịch săn tìm hang ổ mới của AI tại New Asia. Khi đến địa điểm được chỉ định, Joshua nhận ra "vũ khí hủy diệt" là một cô bé người máy tên Alfie (Madeleine Yuna Voyles đóng) do Maya tạo ra. Thay vì tiêu diệt Alfie, Joshua quyết định bảo vệ cô bé để lần ra tung tích Maya.
Tác phẩm gợi suy ngẫm về sự tồn tại của máy móc hiện đại trong đời sống xã hội. Giữa cuộc chiến, Joshua chuyển đổi trạng thái từ đặc vụ phục vụ quân đội Mỹ đến một người hiểu ra được ý nghĩa phi lý của cuộc chiến chống AI. Dù bị mắc kẹt giữa phe quân đội Mỹ và cộng đồng robot AI, Joshua bất chấp tính mạng để bảo vệ Alfie. Trong cuộc hành trình tìm kiếm Maya, anh còn học được bài học về lòng vị tha, sự bao dung.
Trường đoạn Joshua hy sinh, tạm biệt Alfie gây xúc động mạnh. Phân cảnh hội thoại của hai người khi đứng giữa lằn ranh sự sống - cái chết khiến nhiều người xem đồng cảm với sự nỗ lực của Joshua bảo vệ mạng sống cho cô bé.
Joshua (John David Washington đóng) ra sức bảo vệ Alfie - siêu vũ khí trí tuệ nhân tạo - trước sự đe dọa của quân đội, trong phim "The Creator".
Màn trình diễn của John David Washington và Madeleine Yuna Voyles là điểm nhấn cho tác phẩm. John thể hiện sự điềm tĩnh lẫn mạnh mẽ của một đặc vụ, đau đớn và dằn vặt vì mất mát trong quá khứ. Còn diễn viên nhí Madeleine là phát hiện mới của đạo diễn Rogue One: A Star Wars Story. Cô bé ứng biến tốt trong những cảnh cảm động, có chiều sâu tâm lý. Trên Collider, đạo diễn nói John và Madeleine kết hợp ăn ý, trở nên thân thiết trong quá trình thực hiện dự án.
Dàn diễn viên phụ có đất diễn. Ken Watanabe (vai Harun) toát sự lạnh lùng, kiên cường qua ánh mắt và lời nói. Ngô Thanh Vân - sao Việt duy nhất tham gia dự án - xuất hiện trong vài phân đoạn. Nghệ sĩ ghi dấu ấn với vai người máy Kami, có nhiều khoảnh khắc chơi đùa cùng Alfie. Tuy là vai khách mời, Ngô Thanh Vân để lại ấn tượng nhờ loạt biểu cảm gương mặt.
So với các phim trước Ngô Thanh Vân từng tham gia, nhân vật của "đả nữ" được khai thác có chiều sâu hơn trong The Creator. Trong lúc Joshua đối phó với quân đội, Kami chăm sóc, mua đồ ăn cho Alfie. Khi Kami chết, người yêu cô - Drew (Sturgill Simpson) - bật khóc. Điều này đã giúp Alfie học được cảm xúc mới trong hành trình trưởng thành.
Lời thoại có sự đan cài của nhiều ngôn ngữ như Thái, Nhật, Việt Nam. Nhân vật của Ngô Thanh Vân có một số câu thoại tiếng Việt, như: "Tiền nè, khỏi thối, đi giùm cái". Nghệ sĩ cho biết khi tham gia các dự án của Hollywood, cô luôn muốn nhân vật của mình liên quan đến Việt Nam, đồng thời thêm thắt các chi tiết văn hóa đất nước vào vai diễn.
Êkíp chú trọng đầu tư bối cảnh để làm nổi bật cuộc chiến giữa con người và AI. Đoàn phim tận dụng kiến trúc sẵn có, lồng ghép với các mô hình hiệu ứng kỹ xảo. Đạo diễn giảm thiểu việc sử dụng phông xanh, lên kế hoạch ghi hình ở Indonesia, Nhật Bản, Nepal, Campuchia và Thái Lan. Trong quá trình quay, đoàn phải đi đến ngôi chùa nằm trên ngọn núi cao hơn 3.000 m.
Tác phẩm nhận về nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn. Steven Weintraub, tổng biên tập của trang Collider, nói đạo diễn đã sáng tạo một bộ phim khoa học viễn tưởng có chiều sâu dựa trên thực tế cuộc sống. Cây bút Germain Lussier của trang Gizmodo nhận xét tác phẩm hấp dẫn về mặt kể chuyện, hình ảnh đẹp và các cảnh hành động hoành tráng.
Theo Collider, Gareth Edwards lấy cảm hứng làm tác phẩm từ tiểu thuyết The Hero with a Thousand Faces (1949) của Joseph Campbell và phim Apocalypse Now (1979) của Francis Ford Coppola. Đạo diễn kết hợp dòng phim khoa học viễn tưởng (sci-fi) với nét văn hóa bản địa của Đông Nam Á để tạo nên những hình ảnh gây ấn tượng thị giác.
Theo Guardian, các nhà phê bình nói The Creator là tác phẩm đáng xem dành cho người hâm mộ phim khoa học viễn tưởng. Điểm độc đáo của The Creator so với các tác phẩm từng lấy AI làm trung tâm, như Terminator (1984), District 9 (2009), Ex-Machina (2014) hay I Am Mother (2019), là khi AI không đơn thuần là một sản phẩm do con người tạo ra, mà chúng có tâm hồn và nhân cách.
Những hành động của AI trong phim biết khóc, cười, đồng cảm trước mất mát của đồng loạt, thay vì chỉ là robot vô tri. Tác phẩm khiến người xem phải đặt câu hỏi: Trong tương lai xa, liệu AI có xứng đáng để được công nhận như một con người?
(VEO)
Nhận xét
Đăng nhận xét