Ra rạp ngày 13/10, Đất rừng phương Nam là dự án điện ảnh Việt gây chú ý nhất dịp cuối năm với mức kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, câu chuyện xoay quanh An (Hạo Khang) - cậu bé lưu lạc ở miền Tây trên đường tìm cha, ở bối cảnh đầu thế kỷ 20. Trên hành trình đó, An được nhiều người dân giàu nghĩa khí giúp đỡ, học cách chấp nhận mất mát để trưởng thành.
Giống phiên bản năm 1997 (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), phim đan xen câu chuyện tìm người thân của bé An cùng phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp của người Nam bộ. Dù vậy, hai mạch phim không tách biệt mà liên kết khá chặt chẽ suốt thời lượng 110 phút.
Kịch bản được xây dựng như bản anh hùng ca về những người dân quật cường giữa thời loạn lạc. Phim mở đầu bằng một phân đoạn kịch tính, khi thực dân truy lùng mẹ con An vì cha cậu bé bị buộc tội phản tặc. Trên đường về miền Tây, một biến cố xảy ra khiến An bơ vơ. Manh mối duy nhất để cậu bé tìm cha là kỷ vật của mẹ - chiếc vòng cổ có hình gia đình.
An lang bạt kiếm sống cùng Út Lục Lâm (Tuấn Trần) - một thanh niên chuyên trộm cắp, sau đó được cha con ông Tiều (Tiến Luật) bao bọc. Trong lúc ấy, thực dân Pháp lùng sục khắp nơi để diệt tận gốc các thành viên thuộc nghĩa quân - trong đó có Hai Thành, cha của An (Huỳnh Đông).
Xuyên suốt phim, nhiều tình tiết, lời thoại được cài cắm để làm bật lên chất hào hùng của cuộc chiến chống ngoại xâm. Trước cảnh đàn áp khắp nơi, nỗi lòng người dân được gửi gắm qua câu nói của bác Ba Phi (Trấn Thành): "Dân mình hiểu đất mình. Đất trời, ông bà sẽ che chở cho mình thôi". Ở một cảnh cuối phim, ông bộc lộ nỗi bi phẫn, nghẹn ngào khi chứng kiến từng người ngã xuống trước họng súng kẻ thù.
Cuối phim, phân cảnh những người dân lần lượt đứng dậy, thể hiện ý chí quật cường trước lính Pháp, được xây dựng đậm chất bi tráng.
Xem suất chiếu sớm tối 11/10, Phan Gia Nhật Linh cho biết nhiều lần xúc động khi theo dõi câu chuyện, ấn tượng với nhân vật của Trấn Thành, Tiến Luật. "Vai bác Ba Phi khiến tôi lâng lâng cảm xúc về lòng yêu nước. Với tôi, phim gợi nhiều tiếng cười, nước mắt, và cả sự tự hào dân tộc", đạo diễn nói.
Với số lượng hàng chục người, các diễn viên được phân vai khá vừa vặn. Trong đó, Hạo Khang - vai chính - là linh hồn của tác phẩm. Diễn viên 13 tuổi khắc họa tròn trịa nét thơ ngây, bỡ ngỡ của cậu bé thành thị sớm xa cha mẹ, lưu lạc về vùng quê. Có lúc, An đau đáu nhận ra bản thân làm liên lụy đến nhiều người. Hạo Khang cũng lấy nước mắt nhiều khán giả trong cảnh An "gặp lại" mẹ dưới ánh trăng rằm - tình tiết từng gây xúc động trong bản cũ.
Vai Út Lục Lâm là một bất ngờ của tác phẩm. Ở phim truyền hình, nhân vật (nghệ sĩ Trung Dân đóng) xuất hiện thoáng qua, không đóng góp nhiều vào tổng thể câu chuyện. Trong bản điện ảnh, Tuấn Trần làm nên một Út Lục Lâm giàu sức sống, có phần ma mãnh, nhiều toan tính, thực dụng. Nhân vật đồng hành bé An trên nhiều chặng đường, dạy cậu hiểu hơn về cuộc sống lang bạt. Ngược lại, sự chân thành của An cũng giúp Út Lục Lâm - một người cô độc từ nhỏ - hiểu ra giá trị của tình thân. Nhà sản xuất Hoàng Quân cho rằng Út Lục Lâm là vai đặc sắc nhất phim, thể hiện sự lột xác về diễn xuất của Tuấn Trần.
Vai ông Tiều - vốn làm nghề Sơn Đông mãi võ - có nhiều phân cảnh hơn bản truyền hình. Qua diễn xuất của Tiến Luật, nhân vật hiện lên giàu khí khái, không chịu khuất phục giữa chốn ngục tù. Ở một cảnh, khi thấy tính mạng con gái bị đe dọa, ông Tiều bộc lộc cảm xúc phẫn uất bằng cơ mặt, ánh mắt. Băng Di - vai Tư Mắm - cũng là gương mặt gây ấn tượng với lối diễn biến hóa, góp phần tạo nên kịch tính ở nửa sau câu chuyện.
Các phân đoạn hành động của nhóm nghĩa quân được dàn dựng mượt mà, tuy nhiên bị thiên về màu sắc võ hiệp. Trong đó, phân cảnh Võ Tòng bị đem ra xử tử vì tội phản loạn được đầu tư ở hiệu ứng cháy nổ. Giữa pháp trường, Võ Tòng tả xung hữu đột, cùng các bang phái Chính Nghĩa Hội nổi dậy chống giặc.
Âm nhạc góp phần đẩy hiệu ứng cảm xúc lên cao trào. Qua bàn tay nhạc sĩ Đức Trí, âm nhạc hỗ trợ dẫn dắt tâm trạng khán giả. Đầu phim, giai điệu không lời của Bài ca đất phương Nam (Lư Nhất Vũ - Lê Giang) được hòa âm trên nền giao hưởng, đưa người xem về không gian bát ngát của ruộng vườn miền Tây. Ở nhiều cảnh - như phân đoạn An bộc bạch nỗi nhớ cha mẹ, êkíp sử dụng nhạc cụ truyền thống với tiếng đàn bầu, sáo, nhị để khơi cảm xúc người xem.
Đạo diễn Quang Dũng phát huy những khung hình giàu chất trữ tình, như cảnh Út Lục Lâm và An ngồi bên nhau, trên trời rợp cánh cò bay. Hiệu ứng quay chậm (slow-motion) được sử dụng trong những cảnh thể hiện sự khăng khít của đôi nhân vật, như Út Lục Lâm cõng An dạo chơi trên đường quê. Khâu bối cảnh cho thấy sự dụng công của đạo diễn, như một đoạn one-shot (quay liền, không cắt) ở khu chợ nổi. Êkíp huy động 400 diễn viên quần chúng, may gần 500 bộ trang phục để khắc họa cuộc sống trên bến dưới thuyền.
Dù vậy, phim lộ điểm yếu ở khâu kỹ xảo hình ảnh, chẳng hạn cảnh cánh cò bay, đàn đom đóm lập lòe trong đêm. Ở buổi công chiếu, nhiều khán giả cho rằng một số lời thoại có phần hiện đại, chưa đúng thực tế ở một số đoạn, như cảnh Út Lục Lâm và An dùng các từ "dính" (thích), "sang lên" khi trò chuyện. Đạo diễn cho biết khi viết kịch bản, êkíp cân nhắc về việc sử dụng những từ thuần địa phương, Hán Việt để hợp bối cảnh đầu thế kỷ 20. Ở các phân cảnh gây cười, họ muốn các từ gần gũi khán giả trẻ vì sau cùng, phim cần đạt mục tiêu thương mại.
Tác phẩm kết thúc khi câu chuyện tìm cha của An còn dang dở, đạo diễn Quang Dũng để ngỏ việc làm phần hai. Trấn Thành - đồng sản xuất - hy vọng phim đạt doanh thu tốt để có điều kiện làm các phần tiếp theo, tái hiện đầy đủ nội dung trong tiểu thuyết gốc.
TH
Nhận xét
Đăng nhận xét