Phim "Đào, phở và piano" khai thác cuộc sống của những người ở lại khu phố Hà Nội trong cuộc chiến cuối 1946, đầu 1947.
Tác phẩm có kinh phí 20 tỷ đồng, ra rạp ngày mùng Một Tết Nguyên đán (10/2), duy nhất tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Hà Nội với số suất ít.
Phim lấy bối cảnh cuộc chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, do nghệ sĩ Phi Tiến Sơn đạo diễn, viết kịch bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng. Các nhân vật là cô gái, chàng trai, ông họa sĩ, cậu bé đánh giày, người bán phở - những người ở lại khu phố, trong khi tất cả đi sơ tán. Đối diện cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, họ vẫn lạc quan, giữ tình yêu cuộc sống, con người, cái đẹp.
Đề tài về lịch sử, lòng yêu nước vẫn luôn hấp dẫn người xem
Đào, phở và piano có một suất chiếu chính thức ra mắt báo giới hồi tháng 9-2023, sau đó chiếu miễn phí ở một số nơi nhân Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 diễn ra tại Đà Lạt cuối tháng 11-2023.
Nằm trong đề án thí điểm phổ biến phim nhà nước đặt hàng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đào, phở và piano ra rạp Trung tâm Chiếu phim quốc gia từ mùng 1 Tết (10-2) như một "phép thử" khán giả với dòng phim nhà nước. Đây là địa điểm chiếu phim thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lần đầu tiên phim lịch sử do Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất như "Đào, phở và piano" gây "sốt" tại rạp chiếu và gây xôn xao dư luận. Đây có lẽ cũng là một tín hiệu vui, để qua đó các cơ quan chức năng, giới chuyên môn sẽ đầu tư, phát triển dòng phim lịch sử cũng như phim Nhà nước. Bởi chúng ta đều biết, không có gì truyền tải các thông điệp nhanh và dễ chạm vào trái tim mỗi người bằng nghệ thuật.
Cục Điện ảnh đề xuất chiếu 'Đào, phở và piano' toàn quốc
Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng ''Đào, phở và piano" là phim chất lượng, xứng đáng chiếu cả nước.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, đơn vị chiếu Đào, phở và piano với mục đích cống hiến cho khán giả, phục vụ ngành điện ảnh, còn doanh thu phải nộp 100% vào ngân sách nhà nước. Để phổ biến dự án đến các cụm rạp toàn quốc, cần quy định về tỷ lệ % doanh thu cho các nhà phát hành.
Phim do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt hàng, kinh phí 20 tỷ đồng. Khởi quay năm ngoái, phim lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947, ca ngợi mối tình của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) và tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh). Tác phẩm khắc họa một thời bom đạn gian khổ, thiếu thốn, khi con người luôn đối diện cái chết nhưng lạc quan, yêu đời. Điểm sáng trong không khí ác liệt của chiến tranh là tình người, tình yêu đất nước. Dự án đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, hồi tháng 11 năm ngoái.
Lúc khởi quay, Đào, phở và piano còn gây chú ý với khán giả khi công bố dựng một phim trường tại Vĩnh Phúc, hoàn thành trong ba tháng. Người xem được trở lại Hà Nội thập niên 1940 với những cửa hàng tạp hóa, tiệm may, xen kẽ là xe tăng, toa tàu điện - thành chiến lũy của người dân thời kháng chiến.
Tác phẩm gia nhập đường đua phim Tết 2024 cùng Hồng Hà nữ sĩ - dự án thứ hai sử dụng kinh phí nhà nước năm 2023, của đạo diễn Nguyễn Tuấn Việt. Một tuần ra mắt, phim chỉ có ba suất chiếu một ngày, không được quảng bá. Sau một số bài nhận xét phim được đăng trên mạng xã hội, khán giả dần quan tâm, tỏ ra hào hứng trước một phim đề tài lịch sử. Vì chỉ có một đơn vị chiếu phim, nhiều người không mua được vé. Trên một số diễn đàn, khán giả bàn luận về việc "săn" vé. Bên cạnh ý kiến khen nỗ lực của đoàn phim, nhiều người cho rằng tác phẩm có nội dung khiên cưỡng, lời thoại "còn kịch", nữ chính đóng chưa đạt.
Ông Vũ Đức Tùng nhận định ngoài hiệu ứng đám đông, phim hút khán giả bởi nội dung với nhiều chi tiết chạm cảm xúc người xem. Còn ông Vi Kiến Thành cho rằng phim giá trị nghệ thuật, thể hiện dấu ấn sáng tạo của đạo diễn. Ông Thành ấn tượng bối cảnh tác phẩm được dàn dựng hoành tráng.
Ngoài ra, dàn diễn viên như Doãn Quốc Đam, Nguyệt Hằng Tuấn Hưng, các Nghệ sĩ Nhân dân như Trần Lực, Trung Hiếu thể hiện tròn vai. Với nữ chính Cao Thùy Linh, 21 tuổi, chưa từng học qua diễn xuất, Cục trưởng Cục Điện ảnh không thấy cô bị "đuối" so với những gương mặt gạo cội. "Tiểu thư trong phim cần nét tươi mới, đời thường. Nếu giao cho một người dày dặn kinh nghiệm, chưa chắc vai diễn đã được tốt hơn", ông nói.
Không có chiến lược quảng bá phim
Song đáng nói là phim chỉ trở thành hiện tượng gần một tuần qua nhờ mạng xã hội. Từ vài suất chiếu ban đầu, Trung tâm Chiếu phim quốc gia phải tăng lên 18 - 20 suất.
Thậm chí trung tâm này phải cắt suất chiếu từ phim Mai của Trấn Thành sang cho Đào, phở và piano. Tới thời điểm hiện tại, phim có 30 suất chiếu và tiếp tục tăng, ít nhất trong vài ngày tới.
Tháng 9 năm ngoái, trong một cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, đạo diễn Phi Tiến Sơn tiết lộ phim có kinh phí nhà nước cấp là 20 tỉ đồng, tuy nhiên con số này chưa bao gồm phí phát hành và quảng bá phim.
"Ê kíp rất muốn phim đến được với công chúng rộng rãi nhưng đến được hay không nằm ở quyết định của Nhà nước", ông Sơn nói.
Đã thành thông lệ, trước khi ra mắt chính thức, các đoàn phim sẽ cung cấp trailer (đoạn video ngắn để quảng cáo phim, thường 2-5 phút) cho khán giả (chiếu ở cụm rạp hoặc đăng lên các mạng).
Có nhiều phim, trước khi công bố trailer, đoàn phim còn ra cả teaster (đoạn phim rất ngắn có nội dung mong đợi hoặc hé lộ tình tiết bất ngờ, thời lượng dưới 1 phút).
Đào, phở và piano ra mắt sau sáu tháng (kể từ tháng 9-2023) tới nay mới có một trailer "cho có" như dân mạng nhận xét và còn không đúng tính chất một trailer thông thường. Hình ảnh trong trailer mờ nhòe, không có gì hấp dẫn.
Ngoài ra các hình ảnh diễn viên, bối cảnh phim rò rỉ nhỏ giọt, chất lượng thấp. Báo chí viết bài, tìm một tấm ảnh đẹp, hấp dẫn để minh họa cho bài báo còn "khó hơn lên trời". Đây là tình trạng hiếm gặp với các phim tư nhân.
Với các phim tư nhân, thành hay bại của bộ phim nằm ở sự ủng hộ của khán giả. Các nhà làm phim tư nhân xem khán giả là thượng đế, họ luôn tìm mọi cách để thu hút sự chú ý của khán giả.
Có nhiều bộ phim chạy truyền thông quảng bá phim ngay khi khởi động phim, chứ không đợi đến khi phim hoàn tất khâu hậu kỳ và sắp chiếu. Họ cũng dành một phần lớn kinh phí cho việc tuyên truyền, quảng bá phim.
Lỗ hổng và sự bối rối
Đào, phở và piano "hot" lên, khán giả ở các tỉnh thành khác muốn xem phim. Lúc đó trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói cục cũng rất muốn phổ biến phim trên cả nước nhưng khó bởi "ở ta chưa có căn cứ pháp lý nào về việc chia tỉ lệ phần trăm khi phát hành phim nhà nước".
Tiếp theo đó là lời khuyến khích các doanh nghiệp điện ảnh đồng hành trong việc phổ biến phim nhà nước của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Tới ngày 22-2, Đào, phở và piano bắt đầu vượt thoát khỏi khuôn khổ chật chội của Trung tâm Chiếu phim quốc gia để đến với hai cụm rạp của Cinestar và Beta Media trên cả nước nhờ sự tự nguyện.
Lời khuyến khích của bộ không đi kèm chữ nào liên quan đến phân chia tỉ lệ. Hai cụm rạp tư nhân đi đầu trong việc phổ biến phim nhà nước sẽ nộp hết doanh thu từ phim về Nhà nước.
TH
Nhận xét
Đăng nhận xét