Phim "Mai" đang xác lập kỷ lục mới của phim Việt. Lý giải hiện tượng phim "Mai" để biết "công thức" của sự thành công.
Phim “Mai” vẫn đang “oanh tạc” phòng vé sau nhiều ngày công chiếu và được bàn tán rầm rộ trên khắp các trang mạng. Người đùa rằng: “cứ như thể cách đây mấy chục năm khi chiếu bóng về làng”. Hiện tượng phim “Mai” có thể lý giải dưới góc nhìn chuyên môn như thế nào? Và từ đây có thể nhận ra vấn đề gì của dòng phim giải trí Việt hiện nay?
Đạo diễn Đào Thanh Hưng, Giám đốc Hãng phim tư nhân “Miền đất điện ảnh”, có cuộc trao đổi với phóng viên VOV2.
PV: Với tư cách một người làm nghề, theo anh, vì sao phim “Mai” của Trấn Thành lại có được thành công như thế?
Đạo diễn Đào Thanh Hưng: “Mai” là một phim tâm lý hay. Ở đó tôi thấy các nhân vật có đời sống tâm lý thú vị. Đây là câu chuyện tình yêu giữa hai nhân vật có đời sống trái ngược nhau. Hoàn cảnh đưa họ đến với nhau nhưng cũng chính hoàn cảnh đẩy họ xa nhau.
Diễn biến đột ngột khiến mạch phim cuốn hút, lời thoại chân thực, diễn viên nhập vai, bối cảnh gần gũi. Theo tôi, điều này làm nên sự thành công.
Trong mặt bằng phim Việt ra rạp dịp Tết này thì phim "Mai" nổi bật về cách kể chuyện gần gũi, câu chuyện đơn giản, tâm lý nhân vật sâu khiến người xem thích thú.
Người trẻ thấy ở phim "Mai" những sự gần gũi trong lời thoại, tình yêu bất chấp khoảng cách, tuổi tác.
Người từng trải thì thấy sự khát khao yêu đương, thấy được giá trị của lòng tự trọng, không ai hoàn hảo trong cuộc sống, chỉ có tình yêu mới có thể lấp đầy khiếm khuyết cho nhau.
Là bộ phim tâm lý nên rất dễ chạm đến đám đông vì ai cũng có đời sống tâm lý và khao khát được lắng nghe đó là lý do phim thành công.
Cũng có thêm yếu tố nữa là Trấn Thành có rất nhiều fan hâm mộ. Trước khi là nhà làm phim anh đã là MC, là một cây hài, anh hiểu tâm lý nên kể câu chuyện tâm lý rất hay và cuốn hút.
Phim có thể trụ vững xếp hạng ở rạp lâu như thế rõ ràng là đã chạm đến trái tim người xem.
Phim có cốt truyện, có bối cảnh phù hợp, sáng tạo hình ảnh thú vị. Phim là kể chuyện bằng hình ảnh, không thể chỉ quay thước phim như truyền hình mà cần những cú máy thiết kế công phu tỉ mỉ, kể cả chiếu sáng cũng vậy.
Điều quan trọng nữa là diễn viên phải giỏi, hợp vai. Nhân vật Mai (Phương Anh Đào thủ vai) và Dương (Tuấn Trần thủ vai) rất là thành công, khắc họa hai con người ở hai thế giới khác nhau nhưng trong một bối cảnh. Theo tôi, diễn viên là yếu tố tác động lớn đến sự thành công của phim.
Dàn diễn viên này rất lợi hại và Trấn Thành đã can thiệp rất sâu vào diễn xuất vì anh ý rất hiểu tâm lý. Và tôi biết là Phương Anh Đào để vào vai đã học massage ở ngoài cả tháng trời. Rồi 2 diễn viên chính đã đi với nhau, ăn cùng nhau để hiểu, làm quen và có thể hòa hợp trong những cảnh "nóng" trong phim.
Điều nữa tôi cũng đáng giá cao là lời thoại hay, gần gũi. Một số phim Việt Nam có lời thoại sáo rỗng: “Chào bác, bác đến chơi nhà đấy ạ” nhưng trong Mai: “Thôi, mày đừng yêu tao nữa”, “Sao yêu lại khổ thế?” hoặc “Ê, có yêu tao không?”. Những câu thoại giản dị, chân chật, cái thật bao giờ cũng chạm đến trái tim của mọi người hơn.
Phim cũng chạm đến vấn đề xã hội, đó là khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách tuổi tác nhưng dù là ai đi chăng nữa cũng đều có quyền được yêu.
PV: Người ta nói, sự thành công trong phim của Trấn Thành là có công thức, đó là: kịch bản hay+đầu tư khủng+truyền thông đa dạng. Có vẻ như công thức này không quá lạ nhưng vì sao dòng phim giải trí Việt vẫn thiếu những sản phẩm làm nóng phòng vé như phim “Mai” đang làm, thưa anh?
Đạo diễn Đào Thanh Hưng: Nói là công thức nhưng không phải ai cũng làm đúng vì chúng ta cần có một nền công nghiệp điện ảnh. Phía ngoài Bắc hoạt động điện ảnh vẫn còn rất nghiệp dư. Mặc dù có nhiều cá nhân xuất sắc nhưng còn thiếu tập thể xuất sắc.
Ở TP.HCM, họ có khá hơn, có nhiều những tập thể, nhóm, nhà làm phim chuyên nghiệp, hiểu được thị trường vì thế các nhà đầu tư săn sàng chi mạnh tay.Có công thức nhưng nó đòi hỏi một đội ngũ chuyên nghiệp thực thi nó một cách hoàn hảo.
Trong khi đó, những người hiểu và làm được hiện nay có nhiều, nhưng các nhóm có thể làm được cùng nhau việc này lại không nhiều. Tôi nói ví dụ, để bẻ một kịch bản, khán giả cảm giác đơn giản vậy thôi nhưng phải có những buổi họp hàng tháng trời, hàng chục cái đầu ngồi lại nghĩ chỉ để điều chỉnh những cái khúc đoạn làm sao cho hấp dẫn nhất. Phút bao nhiêu rời đi, phút bao nhiêu phải trở lại. Những nhóm đó làm việc hết ngày này sang ngày khác. Tôi nói, cần có đội nhóm, người chuyên nghiệp là vì thế. Và để có nền công nghiệp như thế thì cần nhiều thời gian.
PV: Có nghĩa dòng để sản xuất phim giải trí không dễ như nhiều người vẫn nghĩ?
Đạo diễn Đào Thanh Hưng: Khó chứ, nếu không có thì Tết vừa rồi đã có nhiều “Mai”. Khó vì là chúng ta vừa phải có nhà đầu tư mạnh mẽ, nhà sáng tạo giỏi giang để sáng tạo phim hay, kịch bản xuất sắc, kế hoạch sản xuất phù hợp đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Thời gian gần đây, có những bộ phim do nhà nước đặt hàng như phim “Đào, phở và piano” nhưng họ không có kế hoạch truyền thông, quảng bá, những hiệu ứng hiện nay có được là do khán giả tự thân. Nhưng với phim “Mai” khác hẳn. Họ có kế hoạch truyền thông ra mắt, những buổi dàn diễn viên gặp gỡ người hâm mộ, có những suất chiếu đặc biệt dành cho báo chí, cho những người nổi tiếng KOLs. Họ trả rất nhiều tiền cho những hoạt động này để phim “Mai” lan tràn trên mặt báo, để ai cũng nhắc đến “Mai”.
Những người có chút kiến thức về điện ảnh khi xem phim “Mai” đều có chung cảm nhận là yếu tố nghệ thuật, thủ pháp điện ảnh, cách kể chuyện, thông điệp đều không có gì quá đặc biệt hay “cao tay”. Nhưng phim lại rất thu hút khán giả. Điều đó để thấy rằng, dòng phim giải trí là một điều gì đó rất khác, thậm chí các nhà làm phim cần phải “thoát xác”.
PV: Theo anh, làm thế nào để phát triển dòng phim giải trí hiện nay?
Đạo diễn Đào Thanh Hưng: Muốn phát triển dòng phim giải trí, theo tôi có nhiều yếu tố nhưng điều đầu tiên phải nói đến là cơ chế của điện ảnh của nhà nước làm sao để người làm phim có cơ hội làm nhiều hơn. Kiểm duyệt làm sao để nhà biên kịch thoải mái vung bút, lục tìm trong kho tàng Việt Nam những câu chuyện hay. Chúng ta có nhiều chuyện hay nhưng rất sợ bị kiểm duyệt. Ví dụ cảnh đánh nhau thôi nhưng khi chiếu lên lại đặt ra câu hỏi là công an đâu. Nhưng ngoài đời, đâu phải lúc nào cũng có công an. Kiểm duyệt đang là yếu tố hạn chế sự sáng tạo của đội ngũ biên kịch và những người viết kịch bản.
Xin cảm ơn đạo diễn Đào Thanh Hưng!
(VOV2)
Nhận xét
Đăng nhận xét