Trong tập 47 chương trình Kính Đa Chiều, đạo diễn Lê Hoàng và luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn luật sư TP.HCM vừa có những bàn luận về tính nhân đạo trong pháp luật Việt Nam.
Mở đầu cuộc trò chuyện, đạo diễn Lê Hoàng nhận định “Pháp luật sinh ra không phải trả thù”, vì vậy tính nhân đạo xuất hiện trong pháp luật rất nhiều ở các nước trên thế giới và cả Việt Nam.
Đồng tình với đạo diễn Lê Hoàng, luật sư Trương Thị Hòa đánh giá: “Bất cứ nền pháp luật nào cũng có tính nhân đạo. Tính nhân đạo rất quan trọng vì làm rõ tính ưu việt của pháp luật. Pháp luật không phải trả thù mà để giải quyết, đem đến sự công bằng cho xã hội. Tôi nghiên cứu khá nhiều thì thấy luật nào cũng có tính nhân đạo rất rõ ràng. Theo tôi, xuyên suốt các nền pháp luật đều có tính nhân đạo và khuynh hướng nhân đạo khi quy về những quyền rất cơ bản của con người. Mặc dù người đó có vi phạm gì đi nữa nhưng vẫn nhìn theo hướng có thể giáo dục và cải tạo họ”.
Chia sẻ về khuynh hướng các nước trên thế giới bỏ án tử hình, luật sư Trương Thị Hòa cho biết: “Theo tôi biết hiện nay có trên 100 nước bỏ án tử hình. Trong đó, có khoảng 50 nước có án tử hình nhưng không xử tử hình. Hiện, Việt Nam còn án tử hình, tuy nhiên khi nhìn xuyên suốt luật hình sự của Việt Nam thì sẽ thấy ngày càng giảm án tử hình, cho nên tính nhân đạo rất rõ ràng”.
Thành viên đoàn luật sư TP.HCM thông tin, năm 1946 có sắc lệnh 06 nghiêm khắc nên có nhiều án tử hình. Đến khi Việt Nam có bộ luật hình sự đầu tiên vào năm 1985 thì có 29 điều luật có án tử hình. Đến năm 1997, bộ luật sửa đổi tăng lên 44 điều luật có án tử. Lần sửa đổi bộ luật hình sự năm 1999 còn 29 điều luật. Đến bộ luật hình sự năm 2009 giảm xuống còn 22 điều luật và hiện nay chỉ còn 18 điều luật. Quan trọng nhất, án tử hình tuyên xử không nhiều. Như vậy, Việt Nam đang có khuynh hướng giảm dần án tử hình.
Qua đó, đạo diễn Lê Hoàng bày tỏ, dù Việt Nam là một trong những nước còn duy trì án tử hình nhưng số án tử tuyên ngày càng ít và giảm bớt điều luật tử hình, chứng tỏ xu hướng nhân đạo trong xã hội Việt Nam ngày càng được đề cao.
Luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ: “Nói đến tính nhân đạo thì thường đề cập đến hình sự, án tử hình, án chung thân,... Với án tử hình, ngoài việc giảm điều luật tử hình thì còn quy định về đối tượng không bị án tử hình”.
Cụ thể, hiện nay người từ đủ 75 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người dưới 18 tuổi dù phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn không áp dụng mức hình phạt tử hình.
Tính nhân đạo không chỉ thể hiện trong bộ luật hình sự mà còn có cả trong bộ luật lao động. Luật sư Trương Thị Hòa lấy ví dụ: “Người lao động gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường. Tuy nhiên người sử dụng lao động cũng phải xem xét mức thu nhập của người lao động, nên không phải bồi thường đầy đủ. Vì tiền lương của họ mỗi tháng phải lo cho bản thân, cho gia đình nên không được trừ nhiều, trừ tối đa 30%”.
Ví dụ của luật sư Trương Thị Hòa khiến đạo diễn Lê Hoàng liên tưởng đến trường hợp những người giữ xe với mức lương ít ỏi lại chẳng may làm mất xe máy của khách hàng. Khi ra tòa, người giữ xe đồng ý bồi thường trong một khoảng thời gian nhất định vì nếu đền bù thiệt hại ngay lập tức thì không đủ khả năng. Đó cũng là một trong những điều chứng minh tính nhân đạo trong pháp luật Việt Nam.
Luật sư Trương Thị Hòa tán đồng khi cho rằng về mặt pháp luật, xét xử người có hành vi phạm tội bằng một hình phạt nào đó không phải không nhân đạo. Đó chính là việc bảo vệ quyền lợi công dân khi bị xâm phạm, trả lại sự công bằng trong xã hội. Tuy nhiên, còn phải xem xét mức độ nó như thế nào.
Và chính hội đồng xét xử cũng là người quan tâm đến tính nhân đạo khi động viên, phân tích và khuyên nhủ người bị mất xe thông cảm cho khó khăn của người giữ xe để đồng ý giảm mức bồi thường. Khi đó, chính những cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án là người nhìn theo tính nhân đạo và làm cho tính nhân đạo ngày càng được phát triển và áp dụng trong thực tế.
Ngoài việc giảm bớt án tuyên tử hình và quy định đối tượng không áp dụng tử hình, khuynh hướng nhân đạo trong pháp luật Việt Nam còn thể hiện qua những trường hợp tha tù trước thời hạn, giảm thời gian chấp hành hình phạt. Hằng năm vào 3 dịp như Lễ 30/4, 2/9 và tết Nguyên đán thì các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù sẽ được xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, kể cả phạm nhân đang phạt tù chung thân. “Có những trường hợp đặc xá. Chỉ có đại xá thì chưa nhưng trong luật có quy định đại xá”, luật sư Trương Thị Hòa cho biết thêm.
Bên cạnh đó, khuynh hướng tính nhân đạo trong pháp luật Việt Nam còn thể hiện qua việc ngày càng có nhiều án treo hay hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền,... Nghiên cứu về pháp luật Việt Nam, luật sư Trương Thị Hòa bày tỏ sự vui mừng khi thấy nhiều người đề nghị tiếp tục đề nghị giảm điều luật tử hình.
Cuối chương trình, luật sư Trương Thị Hòa đồng quan điểm với đạo diễn Lê Hoàng khi cho rằng luật pháp Việt Nam có nhiều điều khoản nhân đạo và những điều khoản đó đang ngày càng nhiều lên. Không chỉ trong luật hình sự xuất hiện tính nhân đạo mà ngay cả những bộ luật khác đều chứa tính nhân đạo trong đó.
---
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Khác biệt thế hệ trong âm nhạc Việt Nam với sự tham gia của biên tập viên Minh Đức và danh ca Thái Châu sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 22/3 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
B.K
Nhận xét
Đăng nhận xét