Đêm nhạc Tchaikovsky Symphony No. 6 “Pathétique”

Hòa mình trong những kiệt tác mang gam màu của âm nhạc Thời Kỳ Lãng Mạn, HBSO xin kính mời quý khán giả Đêm nhạc Tchaikovsky Symphony No. 6 “Pathétique” được diễn ra vào lúc 20h00 vào ngày 20/4/2024 tại Nhà hát Thành phố. Đêm nhạc được dàn dựng và chỉ huy bởi nhạc trưởng Lê Ha My.

Nhạc trưởng Lê Ha My sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Ngay từ nhỏ bố anh – NSND Văn Hà đã hướng anh đi theo con đường âm nhạc bác học. Năm 1999, anh tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chuyên ngành piano. Với đam mê trở thành chỉ huy dàn nhạc, anh được Bộ Văn hóa Thông tin và Nhạc viện Hà Nội cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện P. I. Tchaikovsky – nơi đã đào tạo nên hàng loạt những nghệ sĩ tài năng của thế giới và đạt được tấm bằng đỏ danh giá. Hiện tại, anh là Giám Đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM.

Mở đầu đêm nhạc sẽ là tác phẩm Pomp and Circumstance March No. 1 in D Major, op. 39 – chuỗi Hành khúc tràn đầy năng lượng của nhà soạn nhạc yêu nước người Anh vĩ đại, Edward Elgar. Không ít người ca ngợi Edward Elgar như bậc thầy của giao hưởng và được lịch sử âm nhạc ghi nhận là một trong những nhà soạn nhạc lẫy lừng nhất Thời Kỳ Lãng Mạn.

Bộ Hành khúc gồm 6 bản, nổi tiếng nhất là bản Hành khúc số 1 cung Rê trưởng đã gây tiếng vang lớn ngay trong lần đầu tiên trình tấu tại Nhà hát Thành phố Liverpool. Elgar hoàn thành tác phẩm vào năm 1901 trong khoảng thời gian khi vua Edward VII lên ngôi và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả. Giai điệu trang trọng mang một vẻ đẹp huy hoàng, bản Hành khúc còn được xem như là bản quốc ca số hai không chính thức của vương quốc Anh. Đây là vinh dự mà không phải tác phẩm nào cũng có được.

Tiếp đến là tác phẩm “Suite Việt Nam” do nhà soạn nhạc nổi tiếng người Azerbaijan Gara Garayev sáng tác cho bộ phim đầu tiên của Liên Xô “Việt Nam” năm 1954. 

Gara Garayev là nhà soạn nhạc nổi tiếng người Azerbaijan. Ông viết được rất nhiều thể loại, từ âm nhạc dân gian cho đến nhạc jazz, từ các vở opera cho đến những bản giao hưởng lớn và cả các vở ballet. Vẻ đẹp trong từng tác phẩm của ông luôn thể hiện một tình yêu mãnh liệt và sự kiên cường đấu tranh, nhiều cung bậc cảm xúc chạm đến trái tim người nghe. Có lẽ chính vì thế mà người ta hay gọi ông là nhà soạn nhạc Thời Kỳ Lãng Mạn thế kỷ XX

Là một nhà soạn nhạc người Nga tiêu biểu cho âm nhạc thời kỳ lãng mạn, Tchaikovsky đã để lại cho nhân loại những kiệt tác bất hủ. Tác phẩm của ông luôn mang đến cho khán giả một “tổ hợp cảm xúc” len lỏi trong từng nốt nhạc. Cảm xúc đó sẽ càng được thể hiện trọn vẹn nhất trong bản giao hưởng số 6 “Pathétique”, một trong những tác phẩm lừng danh của thời đại

Chuỗi bi kịch đầy biến cố của cuộc đời ông như gắn liền với bản giao hưởng số 6 Pathétique. Mở đầu chương I mô tả khoảng lăng u ám, chậm rãi với tiếng bassoon độc tấu trên nền bè trầm, khung cảnh tang thương chợt lóe lên. Chương II bùng nổ khi trumpet mạnh mẽ phá tan bầu không khí bằng những giai điệu trầm bổng. Chương III nối tiếp hoành tráng bởi dàn dây ở nhịp kép như một cuộc hành quân. Thay vì kết thúc tác phẩm bằng giai điệu vẻ vang như một lẽ thường tình, Chương IV khép lại chậm rãi đầy than thở và mơ hồ một cách lạ thường, tất cả đều chìm trong hư vô.

B.K

Nhận xét