Hội tụ tinh hoa và tài năng âm nhạc với những tuyệt tác đỉnh cao, không chỉ tôn vinh âm nhạc thính phòng mà còn mang đến hơi thở mới đầy phóng khoáng, giúp lan tỏa mãnh liệt những giá trị nghệ thuật đỉnh cao đến với các khán giả.
Yếu tố không thể thiếu cho sự thành công của đêm nhạc là sự góp mặt của các nghệ sĩ Đoàn Giao hưởng HBSO gồm: NSƯT Tăng Thành Nam (violin), Ivan Nekliudov (viola), Phạm Thị Thanh Hoài (cello), Phạm Khánh Toàn (oboe), A Tách (fagot), Đoàn Huy An (trumpet I), Nguyễn Phan Ngọc Long (trumpet II), Đoàn Duy Bằng (trumpet IV), Trần Đại Nghĩa (horn), Phan Anh Quân (trombone I), Nguyễn Khoa Nhật Tài (trombone II), Nguyễn Văn Lập (trombone III), Nguyễn Thái Bình (bass trombone). Bên cạnh đó, còn có sự tham dự đặc biệt của những nghệ sĩ khách mời: Tormod Asgard (trumpet I), Ju Sun Young (piano), Miho Takashima (tuba), NSƯT Phạm Trường Sơn (violin II), Phạm Quỳnh Trang (piano) cùng hai tài năng piano trẻ: Trần Diệu Ân và Trần Diệu Linh.
Nhịp điệu mạnh mẽ trong bản “Brass Symphony for Brass Ensemble” của Jan Koetsier sẽ mở đầu buổi hòa nhạc. Ông là một nhà soạn nhạc hạng nhất người Hà Lan hiếm có. Tác phẩm với giai điệu hấp dẫn, kịch tính, trữ tình ra mắt lần đầu tại Regensburg năm 1980 và được thu âm vào năm 1981 trên “Focus on PJBE” của Philip Jones Brass Ensemble. Ngày nay nó đã trở thành một kiệt tác của dàn nhạc kèn đồng.
Tiếp đến quý khán giả sẽ được chiêm ngưỡng tài năng “chạy ngón” điêu luyện của Trần Diệu Linh qua tác phẩm La Valse. Khúc waltz được nhà soạn nhạc người Pháp Maurice Ravel viết từ năm 1919 đến 1920. Tác phẩm được lấy cảm hứng khi ông tham gia tình nguyện lái xe trong Chiến tranh thế giới thứ I.
Được công nhận là người sở hữu kỹ thuật vượt trội với cách diễn đạt trang nhã, các tác phẩm của nhà soạn nhạc và nghệ sĩ oboe người Pháp, Theodore Lalliet luôn mang một dấu ấn đặc biệt. Nổi bật sẽ là bản “Tezetto” qua phần trình tấu của nghệ sĩ Phạm Khánh Toàn (oboe), A Tách (fagot) và Ju Sun Young (piano).
Điểm nhấn cho đêm nhạc sẽ là phần song tấu piano của Diệu Ân và Diệu Linh. Hai tính chất âm nhạc tương phản, sụ kết hợp tưởng chừng đối lập lại trở nên đồng điệu qua hai tác phẩm Main Theme & Dance of the Little Swans from “Swan Lake” ballet của Pyotr Tchaikovsky và Sabre Dance from ballet “Gayane” của Aram Khachaturian.
Mở đầu phần 2 sẽ là những giai điệu đầy càm xúc trong tác phẩm Moment Musicaux của nhà soạn nhạc vĩ đại Sergei Rachmaninov qua phần thể hiện của Trần Diệu Ân.
“Ngũ tấu piano số 2 giọng La trưởng”, tác phẩm tô đậm tính chất âm nhạc thính phòng của nhà soạn nhạc người Séc, Antonin Dvorak – biểu tượng âm nhạc vĩ đại được lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian sẽ khép lại đêm nhạc. Tác phẩm lãng mạn, sống động và đầy đam mê được sáng tác khi Dvorak làm việc tại Mỹ. Bản ngũ tấu được công diễn lần đầu tiên tại Prague vào năm 1888, sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian đặc trưng. Đây là một trong những tác phẩm đặc trưng và thành công nhất trong số những tác phẩm thính phòng của Dvořák, đồng thời là một trong những bản nhạc thính phòng được chơi thường xuyên nhất trên thế giới.
Bản ngũ tấu 4 chương với giai điệu gợi lên “sắc màu âm nhạc dân gian” và vũ khúc vùng Bohemia sẽ được trình tấu bởi NSƯT Tăng Thành Nam (violin 1), NSƯT Phạm Trường Sơn (violin 2), Ivan Nekliudov (viola), Phạm Thị Thanh Hoài (cello) và Phạm Quỳnh Trang (piano).
Mai Quỳnh (Ảnh: BTC)
Nhận xét
Đăng nhận xét