Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Người trẻ khởi nghiệp tự tin nhưng cần thực tế; Dạy con hiểu về du lịch tại nơi mình sống; Nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia định vì dọa ly hôn khi mâu thuẫn.
Người trẻ khởi nghiệp tự tin nhưng cần thực tế
Hiện nay xu hướng khởi nghiệp ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Có những bạn trẻ đã quyết định khởi nghiệp từ rất sớm với nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh lợi thế là sự năng động tự tin, các bạn trẻ sẽ phải đối diện với nhiều thách thức và rất nhiều người đã thất bại vì không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Chị Phạm Quỳnh Hoàng Mỹ (TP.HCM) thổ lộ: “Hiện tại quán của mình có quy mô sáu nhân viên và theo mô hình take away. Lợi thế của mình là tạo ra một món bánh tráng khác biệt hơn so với thị trường. Đa số 80% khách hàng ăn đều quay lại và khó khăn là do mình còn quá trẻ, ít kinh nghiệm. Cho nên việc quản lý vận hành và nhân sự rất đau đầu”.
Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên (Học viện kỹ năng Vtalk) cho biết: “Khởi nghiệp là con đường có những chông gai và góc nhìn thực tế của khởi nghiệp rất mạnh mẽ. Khởi nghiệp không chỉ là ý tưởng mà còn là những bài toán thực tế về kinh doanh, con số, mối quan hệ. Người trẻ cần trang bị và sẵn sàng cho bản thân những góc nhìn thực tiễn. Cần có một tinh thần cầu thị và học hỏi không ngừng, kỷ luật để vượt qua và phát triển hơn. Để khởi nghiệp chúng ta cần trang bị những kỹ năng như tính kỷ luật, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo, biết được cách giao việc cho bản thân và những người xung quanh”.
Khởi nghiệp là một hành trình đầy gian nan. Điều quan trọng là các bạn trẻ cần nhận thức rằng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm không phải là sự lãng phí thời gian mà là quá trình cần thiết để xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp. Bên cạnh đó, nếu có thất bại thì hãy coi thất bại là một phần của hành trình dài để khiến bản thân càng quý trọng và tự hào thành tựu của mình hơn. Từ đó lấy động lực vực dậy, biến thách thức thành cơ hội để đến với thành công.
Clip Người trẻ khởi nghiệp tự tin nhưng cần thực tế : https://www.youtube.com/watch?v=3h08MAsXy1A
Dạy con hiểu về du lịch tại nơi mình sống
Nếu muốn đi du lịch thông thường chúng ta sẽ mất nhiều thời gian để chuẩn bị. Đặc biệt đối với những phụ huynh có lịch làm việc dày đặc thì muốn đưa con đi du lịch là một vấn đề nan giải. Nhưng với du lịch tại chỗ, chúng ta chỉ mất vài giờ để sắp xếp nhưng vẫn mang đến nhiều ý nghĩa và giá trị của một chuyến du lịch cho con trẻ.
Chị Lê Trương Trúc Nhi (TP.HCM) thổ lộ: “Bé nhà mình tính hướng nội nên thường chỉ muốn ở nhà dựng lều cắm trại ngoài sân cùng với ba mẹ hoặc cùng ba mẹ nấu ăn. Chỉ những điều đơn giản như vậy cũng giúp cho con cảm thấy rất hạnh phúc và khi lớn lên con sẽ nhớ về quê hương và có ba mẹ ở đó”.
Thạc sĩ Phan Bửu Toàn (Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn) nhận định: “Du lịch địa phương là chúng ta có thể đi du lịch ngắn ngày trong thành phố hoặc những vùng lân cận, thậm chí ở tại nhà mình. Việc này có đầy đủ tất cả giá trị và tái tạo năng lượng cho mình. Mặt khác, du lịch địa phương chúng ta có thể đóng góp phát triển kinh tế địa phương. Đối với trẻ con, những hoạt động ngoài tự nhiên có thể tách trẻ nhỏ ra khỏi những thiết bị công nghệ. Du lịch địa phương còn mang đến cho trẻ nhỏ tính giáo dục, giúp cho con trẻ hiểu hơn về quê hương của mình một cách tốt nhất để khi trưởng thành thì ký ức về quê hương vẫn còn in trong tâm trí con trẻ”.
Trẻ em có khả năng lưu giữ ký ức rất lâu. Chính vì thế được đi du lịch tại nơi mình sinh sống thì những ấn tượng về quê hương sẽ theo suốt cuộc đời các em. Và còn vô vàn lợi ích khác khi cho trẻ du lịch và khám phá, trải nghiệm nơi mình sống từ nhỏ. Ngoài ra, đó cũng chính là cơ hội để cha mẹ giúp con được rèn luyện tính quan sát và mang đến cho trẻ một nền tảng kiến thức, những kỹ năng sống vững chắc khi trưởng thành.
Clip Dạy con hiểu về du lịch tại nơi mình sống: https://www.youtube.com/watch?v=cp8AMjLqcNw
Nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình vì dọa ly hôn khi mâu thuẫn
Cuộc sống vợ chồng sẽ khó tránh khỏi có những lúc xảy ra mâu thuẫn. Nhưng thay vì tìm cách để làm lành, nhiều vợ chồng trong cuộc cãi vả hay giận dỗi thì lấy việc ly hôn để đe dọa đối phương. Đây là một hành động dễ gây tổn thương, có thể khiến giọt nước tràn ly, thậm chí khiến cho hạnh phúc gia đình đổ vỡ.
Chị Đ.T.T (TP.HCM) chia sẻ: “Chồng mình hay nói những lời tức giận trong thời điểm đó. Mỗi lần nghe xong tôi sẽ im lặng và bỏ đi. Nhiều lần như vậy tôi cảm thấy bị ức chế nên tôi dắt con tôi bỏ về bên nhà ngoại. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn chồng tôi liền nhắn tin, gọi điện nói mọi lý do để vợ con trở về. Cho nên dần lâu tôi đã chán những lời dọa ly hôn của chồng tôi”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý IPRTA) cho rằng: “Mỗi lần tức giận chúng ta sẽ không quản lý được cảm xúc. Tuy nhiên, việc dọa ly hôn sẽ làm tổn thương người đối diện, làm cho đối phương cảm thấy bất an, gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm lý của đối phương”.
Thạc sĩ Vũ Kim Ngọc (Chuyên gia tâm lý) cho rằng: “Điều kiện để hôn nhân hòa hợp là nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng chúng ta hãy tạo những buổi du lịch, dã ngoại. Có những thời gian để gia đình bên nhau thì sợi dây kết nối trong gia đình sẽ được nối lại”.
Ly hôn chính là giải pháp cuối cùng trong giải quyết mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Tuy nhiên, lại có nhiều người sử dụng như một loại vũ khí tự vệ. Việc hù dọa nhau như con dao hai lưỡi có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân. Để giữ cho hôn nhân bền vững, khi bị tổn thương hoặc tức giận hãy kiềm chế để đừng phải thốt ra những yêu cầu ly hôn nếu chúng ta chưa từng suy nghĩ kỹ lưỡng về điều đó. Để giảm bớt mâu thuẫn, hãy trải lòng với nhau để người bạn đời có thể thấy rõ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Từ đó, giúp cho vợ chồng sẽ có cái nhìn khách quan và giải quyết mọi hiểu lầm.
Clip Nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình vì dọa ly hôn khi mâu thuẫn: https://www.youtube.com/watch?v=J4sp0oHCe_s
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
B.K (Ảnh: BTC)
Nhận xét
Đăng nhận xét