Tuần này, Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như: Cảnh báo trào lưu 'bắt pen' nguy hiểm đang lan truyền trên mạng xã hội, Bẫy lừa từ các nhóm kín 'tư vấn sức khỏe'.
Nguy cơ gây tử vong từ trào lưu 'bắt pen' trên mạng xã hội
Trào lưu “bắt pen” đang trở thành cơn sốt trên các mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem và làm theo từ giới trẻ những ngày gần đây. Theo đó, sẽ có một người ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác, được cho là sẽ tạo cảm giác khác lạ, hành động này tưởng chừng như vô hại nhưng theo các chuyên gia y tế thực chất đó là việc chèn ép động mạch cảnh ở cổ, tìm ẩn nguy cơ gây thiếu máu não, đột quỵ, thậm chí là tử vong. Như vậy hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm không thể lường.
Trong nhiều clip được đăng tải, người bị “bắt pen” sẽ rơi vào tình trạng không tỉnh táo thậm chí là ngất xỉu cần phải cấp cứu nhanh chóng để trở lại bình thường. Do đó nhiều bạn trẻ nhầm tưởng đây là cảm giác thư giãn, xả stress nên đã làm theo. Anh N.T ở TP.HCM là một trường hợp điển hình đã làm theo trào lưu này, anh cho biết: “Mình thấy trên mạng trào lưu này đang rất rầm rộ, bạn bè rủ nên mình mới thử, lúc đó bạn lấy tay ấn vào cổ mình như trên mạng. Nó có cảm giác tê tê, một hồi mình cảm thấy khó chịu và không thở được, mình muốn ngăn bạn lại nhưng lúc đó không còn sức, mình bị mất ý thức, hên mà tỉnh lại. Giờ mình vẫn còn thấy sợ và trong người mình vẫn còn mệt”.
Các chuyên gia y tế cho biết đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm và có thể gây tử vong nhanh chóng bởi khi ép chặt mạch có thể gây tắt nghẽn mạch máu, thậm chí là vỡ mạch máu đột ngột, nhấn mạnh vào động mạch cảnh ở cổ khiến cho máu lưu thông chậm hoặc là ngưng lưu thông gây thiếu máu lên não dẫn đến co giật.
PGS, TS, BS Nguyễn Văn Tân (Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp - Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM) cho biết: “Vì vùng cổ có hai hệ thống, mặt bên phải và bên trái để cung cấp máu cho não, vùng cổ là nơi mà có nhiều xoang rất nhạy cảm. Do đó khi một tác động mạnh vào xoang này, đặc biệt là xoang cảnh thì có thể làm cho nhịp tim bệnh nhân sẽ chậm lại và vô mạch, thậm chí tử vong. Thường người ta sẽ massage cái xoang cảnh, tức là đối với một số tình huống bệnh nhân có những rối loạn nhịp tim nhưng phải do thầy thuốc làm và trước khi làm thủ thuật đó thì người thầy thuốc phải chẩn đoán thật cẩn thận. Vì nếu ở đó có mảng sơ vữa mà mình không biết và mình massage vào trong đó sẽ gây ra bệnh, có thể bị đột quỵ và thậm chí tử vong”.
Do vậy người dân tuyệt đối không được thực hiện hành động ngay cả khi đùa nghịch. Những tác động đó vô cùng nguy hiểm và có thể tử vong. Những gì liên quan tới sức khỏe thì cần phải có sự tư vấn, thăm khám và sự hướng dẫn của bác sĩ. Không nên dựa vào thông tin trên mạng hoặc những thông tin không chính thức mà nó gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đối với những trào lưu mới, chúng ta tiếp cận phải thật sự cẩn trọng. Chúng ta phải tìm hiểu kỹ, phải có sự đánh giá đúng đắn về những trào lưu mới trên mạng xã hội. Điển hình là trào lưu “bắt pen”. Trào lưu này cần nhanh chóng ngăn cản kịp thời để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Clip: Cảnh báo trào lưu 'bắt pen' nguy hiểm đang lan truyền trên mạng xã hội: https://www.youtube.com/watch?v=2KbKA8mipnU&list=PLbkz2ORJaK6iPjrwb4VaWLtvLm1-PwtHm&index=2
Bẫy lừa từ các nhóm kín 'tư vấn sức khỏe'
Hiện nay tình trạng lừa đảo trên các trang mạng xã hội diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau, điển hình có thể kể đến là tình trạng lừa đảo từ các nhóm kín “tư vấn sức khỏe”, hành vi này không chỉ khiến người dân thiệt hại về tài sản mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe vì có nguy cơ sử dụng phải thuốc giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bà D.N.L ở TP.HCM (55 tuổi) bị bệnh xương khớp lâu năm nên có tham gia một số nhóm kín về tư vấn sức khỏe để giao lưu cũng như chia sẻ kinh nghiệm về căn bệnh của mình. Thời gian gần đây trên nhóm có đăng một số bài quảng cáo sản phẩm thuốc đông y cam kết 100% hiệu quả. Thấy có khuyến mãi nên bà mua về sử dụng nhưng thứ nhận lại chỉ là bẫy lừa. Bà chia sẻ: “Tôi mắc bệnh khớp mấy năm rất là đau, thấy bên Facebook họ có quảng cáo thuốc trị nhức mỏi, tôi tò mò hỏi thì nhân viên rất nhiệt tình quảng cáo, xem những người đã sử dụng cũng có hiệu quả, thế là tôi chuyển khoản cho họ 1 triệu đồng. Sau đó mấy ngày sau họ chuyển thuốc cho tôi, tôi thấy thuốc hơi khác, tôi có đến phòng mạch để hỏi bác sĩ thì bác sĩ tư vấn là thuốc này hoàn toàn không có trị bệnh khớp”.
Ban đầu, các đối tượng mời tham gia vào các hội nhóm rồi gọi điện tư vấn mua thuốc đông y để chữa bệnh cùng chương trình khuyến mãi hấp dẫn, như được dùng thuốc miễn phí trong 5 năm và được bảo hiểm hoàn trả 80% tiền thuốc đã điều trị. Với tình trạng bệnh đã chữa trị lâu năm nhưng không khỏi và những lời mời có cánh trên mạng, các nạn nhân này đã bị đối tượng lừa đảo hàng triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo liền mất liên lạc.
Thủ đoạn của các đối tượng này thường dùng là chia sẻ trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để mô tả tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hoặc mô tả công dụng thực phẩm giống như một kinh nghiệm thực tế hay nhân chứng sống của người đã từng bị bệnh để tăng thêm sức thuyết phục.
ThS.BS Nguyễn Trương Minh Thế (Trường Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết: “Có những người bị mất tiền, uống những loại thuốc không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Rất nhiều trường hợp mua những sản phẩm, xem kỹ lại thành phần chỉ đơn giản là canxi hoặc là những sản phẩm thông thường nhưng giá rất cao, được quảng cáo với những chức năng rất thần thánh hoặc những phương pháp chữa bệnh rất phản khoa học. Người dân không có chuyên môn thì sẽ không phân biệt được cái nào là có lợi hay không có lợi. Họ nghĩ những người tư vấn cho họ là những người chuyên gia, có kinh nghiệm. Hậu quả nhẹ thì có thể bị mất tiền vì mua những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng của những sản phẩm này không đảm bảo. Nghe theo những lời tư vấn như vậy dùng những sản phẩm không tốt sẽ sinh ra tình trạng bệnh nguy cấp hơn, nhanh hơn, tiến triển xấu hơn. Nhẹ thì mất tiền hoặc là tiền mất tật mang, còn nặng hơn nữa có thể nguy hiểm tính mạng”.
Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau mà có những người không muốn đến bệnh viện để trị bệnh nên họ tìm đến những nhóm kín này để mong được tìm hiểu nhiều hơn về tình trạng bệnh của mình, tuy nhiên kết quả họ nhận lại chỉ là “tiền mất tật mang”.
ThS.BS Nguyễn Trương Minh Thế mong người dân: “Phải có ý thức nâng cao kiến thức về y khoa, phải tin tưởng vào các hệ thống phòng khám, bệnh viện chính quy thì lúc đó mới hạn chế được. Nếu không đến những cơ sở chính thống, cơ sở nhà nước cấp phép, bệnh viện mà tin theo những lời mà tư vấn trên mạng thì sẽ không kiểm soát được. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì đã trễ”.
Có thể thấy hiện nay trên không gian mạng có rất nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi, hơn ai hết mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác để tránh làm ảnh hưởng sức khỏe và thiệt hại tài sản của bản thân cũng như của những người xung quanh.
Clip: Bẫy lừa từ các nhóm kín 'tư vấn sức khỏe': https://www.youtube.com/watch?v=1cHVEiKHUFE&list=PLbkz2ORJaK6iPjrwb4VaWLtvLm1-PwtHm&index=1
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội..
Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.
B.K (Ảnh: BTC)
Nhận xét
Đăng nhận xét